Kinh tế xã hội
Nguy cơ cung vượt cầu tiếp tục chi phối thị trường dầu mỏ
(Congannghean.vn)-Sau khi giảm 6 phiên liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2016, giá dầu thế giới tăng trở lại từ ngày 17/6, nhưng đà tăng này có dấu hiệu bị chặn lại ngay từ cuối phiên giao dịch ngày 20/6, báo hiệu triển vọng không mấy lạc quan về thị trường dầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/6, giá dầu WTI giao tháng 7/2016 trên sàn giao dịch New York giảm xuống còn 48,85 USD/thùng sau khi tăng lên 49,37 USD/thùng vào cuối phiên giao dịch ngày 20/6, dầu thô brent giao tháng 8/2016 trên sàn giao dịch London giảm xuống 50,62 USD/thùng sau khi chốt giá 50,65 USD/thùng vào cuối phiên giao dịch ngày 20/6.
Trước những thay đổi thất thường của giá dầu, thị trường đã đưa ra những nhận định khác nhau về yếu tố tác động đến giá dầu.
Về nhu cầu, thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn và GDP toàn cầu vẫn chưa phục hồi về mức tăng trưởng trước thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009; GDP tại hầu hết các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi tăng chậm lại, giá cả hàng hóa tiếp tục giảm thấp, thương mại toàn cầu yếu ớt, dòng vốn đầu tư giảm dần, các tổ chức kinh tế-tài chính quốc tế liên tục hạ triển vọng kinh tế toàn cầu và đều dự báo kinh tế năm nay ảm đạm hơn so với năm trước.
Ngày 7/6/2016, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo GDP toàn cầu năm 2016 xuống mức 2,4%, giảm so với dự báo tăng 2,9% đưa ra hồi tháng 1/2016.
Cho tới nay, các nước phát triển và mới nổi vốn là thị trường tiêu thụ dầu chủ yếu trên toàn cầu. Khi GDP tại 2 nhóm nền kinh tế chủ chốt này tăng chậm lại, nhu cầu tiêu thụ dầu dầu mỏ trên toàn cầu cũng sẽ giảm. Theo báo cáo dầu thô hàng tháng của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) công bố hồi giữa tháng 5 vừa qua, nguồn cung dầu thô toàn cầu trong tháng 4/2016 đạt 96,2 triệu thùng/ngày, trong khi nhu cầu cả năm 2016 được dự báo chỉ đạt 95,9 triệu thùng/ngày.
Để cân bằng cung-cầu và phục hồi giá dầu, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đưa ra một số giải pháp cắt giảm nguồn cung, song những động thái này hầu như không mang lại thành công.
Nếu OPEC cắt giảm sản lượng dầu, giá dầu sẽ tăng và các nước ngoài OPEC sẽ đẩy mạnh khai thác. Hơn nữa, dầu thô vẫn là nguồn sống cơ bản của các nước xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông, nên việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển sản xuất thực để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước đòi hỏi phải có thời gian và vốn đầu tư, nhưng cũng rất khó thành công trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng chậm và cạnh tranh ngày càng quyết liệt, chưa kể đến những rủi ro bắt nguồn từ bất ổn địa chính trị đang bao trùm khu vực này.
Hệ quả là OPEC không còn đóng vai trò gì trong việc ấn định giá dầu trên thị trường thế giới. Ngay đến Iran, một thành viên OPEC, cũng không muốn cắt giảm sản lượng dầu do kinh tế trong nước còn rất khó khăn sau các lệnh trừng phạt kinh tế xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia này. Khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ từ đầu năm nay, Iran đã nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu dầu. Theo ghi nhận của IEA, xuất khẩu dầu thô tháng 5/2016 của Iran đạt 2,1 triệu thùng/ngày, tăng 60% so với 1,3 triệu thùng/ngày trong cùng kỳ năm trước.
Thêm vào đó, một thông tin khác là sản lượng dầu của Nga ngày càng tăng cao. Theo IEA, năm 2015, Nga đã vượt qua Ả rập Saudi trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ. Cùng với dầu mỏ, Nga đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt. IEA nhận định, sản lượng dầu mỏ của Nga năm 2030 sẽ tăng 10% và đạt hơn 530 triệu tấn.
Trước những thay đổi mạnh mẽ trên thị trường dầu mỏ và khí đốt toàn cầu, đặc biệt về năng lực tìm kiếm và phát triển những nguồn năng lượng mới, một số nước thuộc OPEC cũng đang nghiên cứu khai thác các nguồn khí đốt, một lĩnh vực có nhiều tiềm năng, nhưng OPEC hầu như chưa để ý đến và công nghệ khai thác chưa phát triển.
Diễn biến trên thị trường dầu mỏ cho thấy, nỗ lực tái cân bằng cung cầu dường như chưa mang lại hiệu quả, khả năng cung vượt cầu vẫn chi phối trong năm nay, thậm chí trong vài năm tới. Tại mỗi thời điểm, giá dầu thường dao động quanh một mức giá tham chiếu nhất định, tùy theo tình hình cụ thể và tương quan cung-cầu, đôi khi sẽ tăng mạnh nếu nguồn cung bị gián đoạn đột ngột. Vào thời điểm hiện nay, mức giá 50 USD/thùng có thể được coi là ngưỡng kháng cự của giá dầu thế giới.
Nguồn: Chinhphu.vn