Kinh tế xã hội

Vì sao một số địa phương: Chợ xây xong rồi 'đắp chiếu'?

10:22, 16/06/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM), các địa phương đã cố gắng, nỗ lực hoàn thành hệ thống chợ theo tiến độ, kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra hiện nay là, vì nguyên nhân chủ quan hoặc chưa có sự thống nhất, đồng tình của người dân, chính quyền địa phương đã bằng mọi giá hoàn thành việc xây mới chợ. Điều này dẫn đến tình trạng chợ xây xong nhưng người dân và các tiểu thương không mặn mà với việc họp chợ.

Kỳ 1: Quyết tâm xây dựng chợ để… đón nông thôn mới

Tháng 8/2014, nhân dân và chính quyền xã Hưng Đông, TP Vinh đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM sau 3 năm thực hiện các mục tiêu Chương trình quốc gia xây dựng NTM. Nhiều hạng mục công trình được xây dựng, mở rộng khang trang theo các tiêu chí mà Chương trình đề ra. Theo đó, xã đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng hệ thống chợ, trường, trạm… với tổng kinh phí trên 100 tỉ đồng. Mặc dù là xã ngoại thành nhưng Hưng Đông được đánh giá cao trong công tác huy động sức dân, linh động trong công tác điều hành, chỉ đạo của chính quyền địa phương để hoàn thành các tiêu chí đề ra. Cùng với đó, hệ thống chợ mới của Hưng Đông tại khu vực gần trụ sở UBND xã cũng được khẩn trương huy động mọi nguồn vốn để hoàn thành.

Chợ Hưng Đông, TP Vinh xây dựng để đón NTM nhưng đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng, một số hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp
Chợ Hưng Đông, TP Vinh xây dựng để đón NTM nhưng đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng, một số hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ mới của xã Hưng Đông có chủ trương quy hoạch từ năm 1999, trước khi hình thành Khu công nghiệp Bắc Vinh. Qua nhiều lần vận động, thu hút nguồn vốn, dự án xây mới chợ Hưng Đông vẫn “nằm trên giấy”. Mãi đến những năm gần đây, khi xã được phê chuẩn các tiêu chí NTM theo Chương trình mục tiêu quốc gia, chợ Hưng Đông mới được hoàn thành với số vốn đầu tư gần 6 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chợ xây dựng xong nhưng vẫn “cửa đóng then cài”; thậm chí trở thành nơi phơi rơm, lúa và tập kết vật liệu xây dựng của người dân. “Chợ xây xong đã lâu nhưng hiện nay vẫn không có người họp. Khi chúng tôi kiến nghị về vấn đề này thì chính quyền trả lời là còn chờ đấu thầu các ki-ốt còn lại. Sau khi xã đón nhận danh hiệu đạt chuẩn NTM, tưởng rằng chợ Hưng Đông sẽ tấp nập cảnh trao đổi, mua bán nhưng thực tế không phải như vậy”, chị Phạm Thị Tuân, trú tại xã Hưng Đông cho biết.

Qua tìm hiểu từ người dân được biết, để thu hút đông đảo tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán ở chợ không phải là điều dễ dàng. Bởi, vị trí quy hoạch, xây mới chợ Hưng Đông nằm cách xa khu vực tập trung đông người (KCN Bắc Vinh) và trái đường nên để đến đây mua bán rất bất tiện.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông cho biết: “Trên thực tế, đến nay, chợ Hưng Đông chưa đi vào sử dụng là có thật. Trước đó, để hoàn thiện các tiêu chí NTM, chúng tôi đã đốc thúc nhà thầu thi công cố gắng hoàn thành các hạng mục. Đến thời điểm xã đón bằng đạt chuẩn NTM (năm 2014), các hạng mục thi công chợ cơ bản hoàn thành khoảng 70%”. Việc xây mới chợ là 1 trong 19 tiêu chí để đạt NTM. Tuy nhiên khi được hỏi vì sao chợ xây dựng dang dở nhưng xã vẫn được công nhận đạt chuẩn thì ông Trần Anh Tấn cho biết: “Trong việc điều chỉnh xây dựng NTM, một số tiêu chí cho phép địa phương hoàn thành hơn 70% công việc vẫn được công nhận. Nguyên nhân của việc đến nay, chợ vẫn chưa thể đi vào hoạt động là do công tác đấu thầu chưa xong. Qua 2 lần đấu thầu, hiện nay mới chỉ 70 ki-ốt đã được bán. Còn 13 ki-ốt nữa chúng tôi sẽ tổ chức đấu thầu tiếp. Dự kiến, đến hết tháng 6 này, địa phương sẽ tổ chức họp chợ”.

Tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu cũng diễn ra thực trạng chợ xây xong nhưng vẫn không thể đưa vào sử dụng. Để tập trung mọi nguồn lực đầu tư hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM theo Chương trình mục tiêu quốc gia, hiện nay, xã Châu Bình đang cố gắng thu hút vốn để triển khai. Cùng với đó, việc xây mới chợ với số vốn hàng tỉ đồng cũng được nhanh chóng lựa chọn địa điểm để thực hiện. Năm 2015, chợ Cô Ba với quy mô hơn 5.000 m2 và số vốn trên 2 tỉ đồng được nhanh chóng xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, chợ rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, không một bóng người qua lại mua bán, trao đổi và trở thành nơi để chơi thể thao.

Mặc dù, trên địa bàn Nghệ An chưa có con số thống kê cụ thể về tình trạng chợ xây xong rồi “đắp chiếu” nhưng qua tìm hiểu thực tế, con số này không phải là nhỏ. Và, kinh phí để đầu tư, xây dựng mới chợ ở các xã cũng khá lớn. Điều này cũng giải thích vì sao hàng tỉ đồng được huy động từ ngân sách và nhân dân vẫn đang bị bỏ phí trong suốt thời gian dài mà chưa tìm được lời giải.

Ngọc Thái

Các tin khác