Kinh tế xã hội

Vì sao một số địa phương: Chợ xây xong rồi 'đắp chiếu'? (Kỳ II)

15:50, 19/06/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Quyết tâm xây dựng chợ để… đón nông thôn mới

(Congannghean.vn)-Để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM), các địa phương đã cố gắng, nỗ lực hoàn thành hệ thống chợ theo tiến độ, kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra hiện nay là DO nguyên nhân chủ quan hoặc chưa có sự thống nhất, đồng tình của người dân, chính quyền địa phương đã bằng mọi giá hoàn thành việc xây mới chợ. Điều này dẫn đến tình trạng chợ xây xong nhưng người dân và các tiểu thương không mặn mà với việc họp chợ.

Kỳ II: Nan giải “bài toán” họp chợ

Trước tình trạng chợ xây xong rồi “đắp chiếu”, chính quyền địa phương cùng các cấp đã tăng cường vận động người dân vào chợ kinh doanh, buôn bán. Thế nhưng, việc làm này hiện còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Tại nhiều địa phương, người dân vẫn không mấy mặn mà với chợ được xây theo tiêu chí nông thôn mới (NTM).

Chợ Nam Thái, huyện Nam Đàn xây dang dở rồi “đắp chiếu”
Chợ Nam Thái, huyện Nam Đàn xây dang dở rồi “đắp chiếu”

Thời gian qua, để xây dựng chợ nhằm hoàn thành các tiêu chí để đón NTM, nhiều địa phương đã gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Việc xây mới chợ cần số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Vì vậy, nhiều địa phương đã tìm cách huy động mọi nguồn lực để sớm hoàn thành kế hoạch.

Điều này dẫn đến thực trạng, tại nhiều địa phương, một số tiêu chí NTM hoàn thành theo kiểu “chín ép” để sớm đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM. Trong đó phải kể đến tình trạng hệ thống chợ ở nhiều địa phương được đầu tư xây dựng để đón NTM nhưng sau đó rơi vào cảnh “đắp chiếu”. Đây cũng là “bài toán” nan giải hiện nay.

Qua tìm hiểu ý kiến người dân ở các địa phương có chợ NTM nhưng chưa phát huy tác dụng, họ cho rằng, trước khi tiến hành xây mới chợ, cần có sự bàn bạc, thống nhất giữa các bên. Tuy nhiên, trước khi tiến hành xây chợ mới, công tác khảo sát quy hoạch, lấy ý kiến của nhân dân vẫn chưa được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất.

Còn theo lý giải của lãnh đạo các địa phương có hệ thống chợ xây mới để đón NTM nhưng lại bỏ phí, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đó là do “tập tục” bám chợ cũ, chợ tạm; hoặc trong quá trình đấu thầu để vào chợ mới, do không muốn tự bỏ tiền để được vào kinh doanh, buôn bán nên tiểu thương chọn cách ở lại chợ cũ.

Mặt khác, do thói quen mua bán của người dân nên khi mới vào chợ, tình trạng hàng hoá ế ẩm khiến nhiều tiểu thương lao đao, lo lắng. Hơn nữa, khâu quy hoạch vị trí xây mới chợ thực hiện quá vội vàng đã dẫn đến tình trạng công trình xây xong nhưng không nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, nhiều địa phương đã tăng cường vận động người dân vào buôn bán, kinh doanh trong các chợ mới, bằng cách giảm thuế môn bài, mức tiền đấu thầu… cho tiểu thương. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa thực sự mang lại kết quả khả quan.

Ông Vi Lưu Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối chương trình NTM tỉnh cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh, hệ thống chợ đã được chú trọng đầu tư, xây dựng. Hệ thống chợ là 1 trong 19 tiêu chí mà địa phương nào cũng phải đạt được để cán đích NTM nên vấn đề quy hoạch, lựa chọn địa điểm phải được bàn bạc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, hiện, người dân vẫn không mấy mặn mà với việc vào chợ mới để giao thương. Về vấn đề này, tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp khẩn trương có phương án điều chỉnh hợp lý, tránh gây lãng phí kéo dài.

Qua thống kê, chỉ tính riêng trong 5 năm (2011 - 2015), trên địa bàn toàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng 102 chợ với tổng số vốn hơn 200 tỉ đồng, nâng tổng số chợ hiện nay là 405.

Theo Đề án phát triển chợ giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Nghệ An sẽ có 477 chợ, trong đó có 22 chợ hạng 1, 64 chợ hạng 2 và 358 chợ hạng 3. Đến năm 2020, sẽ triển khai xây mới 169 chợ theo tiêu chí NTM ở các địa phương.

Tại cuộc họp bàn về Đề án phát triển chợ trên địa bàn vào tháng 2/2016, đồng chí Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đã giao Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính… cần nghiên cứu công tác quy hoạch mạng lưới chợ trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Xuân Đại cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan cần nghiên cứu kỹ về địa điểm xây dựng chợ, nhu cầu của người dân và các yếu tố khác để chợ đảm bảo tính văn minh, hiện đại; đặc biệt là tránh tình trạng chợ xây xong rồi bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách Nhà nước và tiền bạc của nhân dân.

Để giải quyết thực trạng chợ tiền tỉ xây xong rồi bỏ hoang, thời gian qua, nhiều cơ quan, ban, ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tới từng địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều ưu đãi đã được áp dụng nhằm tạo điều kiện cho tiểu thương vào chợ mới buôn bán nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn mà chưa đưa ra được hướng khắc phục bền vững. Thiết nghĩ, các địa phương cần quan tâm hơn nữa tới công tác quy hoạch chợ nông thôn theo tiêu chí NTM nhằm tránh tình trạng lãng phí tiền của và sức lực của nhân dân.

Ngọc Thái

Các tin khác