Kinh tế xã hội
Phát triển hệ thống thương mại gắn với quy hoạch vùng, miền
(Congannghean.vn)-Thương mại là một bộ phận cấu thành quan trọng và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao đời sống nhân dân. Việc phát triển thương mại, trọng tâm là hệ thống chợ trên địa bàn trên cơ sở phù hợp với cơ cấu kinh tế, quy mô dân số vùng miền, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, môi trường, nhất là phù hợp với quy hoạch đô thị, nông thôn… đang được tỉnh Nghệ An tập trung thực hiện.
Một thực trạng tồn tại từ lâu nay nhưng chưa có giải pháp khắc phục là việc hàng loạt chợ ở vùng nông thôn sau khi hoàn thành việc xây dựng nhưng không hoạt động, gây lãng phí ngân sách cũng như quỹ đất trong khi công tác khảo sát, lập quy hoạch và xây dựng chưa được các ngành, địa phương quan tâm chú trọng.
Nhiều chợ nông thôn không phát huy hiệu quả, gây lãng phí ngân sách |
Chợ được xây dựng nhưng không diễn ra hoạt động mua bán, nếu có thì tổ chức họp chợ ở khu vực ngoài hành lang của chợ là thực trạng chung tại nhiều vùng quê.
Trong khi đó, ở nhiều nơi, nhu cầu xây dựng các địa điểm họp chợ chính đáng lại không được đáp ứng bởi liên quan đến nhiều yếu tố khác, dẫn đến cảnh 2 - 3 xã chung một chợ, trong một xã có 3 - 4 chợ cóc, chợ tạm.
Tình trạng trên kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, nhu cầu mua sắm, giao thương của người dân mà còn tác động không nhỏ đến công tác quy hoạch nông thôn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo đó, định hướng được đề ra là từng bước củng cố hệ thống chợ trên cơ sở sắp xếp chợ hợp lý hiện có, mở rộng chợ mới ở những địa phương có nhu cầu thực sự (chưa có chợ), nhằm hạn chế tình trạng di dời, lập chợ theo kiểu tự phát; từ đó hướng đến việc phát triển các loại hình chợ theo kiểu chợ tổng hợp ở nông thôn, chợ chuyên doanh khu vực phát triển du lịch và trung tâm thương mại ở các đô thị phát triển.
Theo Đề án phát triển chợ trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020, tính đến năm 2025, sẽ xây dựng 447 chợ, trên cơ sở giữ nguyên 175 chợ đã được cải tạo, nâng cấp; xây mới 169 chợ, mở rộng 133 chợ, trong đó có 10 chợ đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm (đến năm 2020) và đến năm 2025 có 535 chợ, xây mới 58 chợ, nâng cấp 20 chợ đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm. Đề án cũng dự kiến chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh đến năm 2025 là 51 chợ.
Đến năm 2020 hoàn thành việc xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm không nằm trong quy hoạch hệ thống chợ.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, trên cơ sở căn cứ quy hoạch mạng lưới hệ thống chợ, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được duyệt, các cấp, ngành tập trung rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo quỹ đất cho sự phát triển thương mại về cả trước mắt và lâu dài.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chợ nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, khai thác, kinh doanh chợ. Ngoài ra, cần tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương bằng các chương trình, dự án để lồng ghép, hỗ trợ đầu tư phát triển mạng lưới chợ.
Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án UBND tỉnh ban hành, yêu cầu đặt ra là tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc thực hiện quy hoạch chợ, không để hình thành chợ tự phát, chợ lấn chiếm lòng, lề đường ảnh hưởng trật tự ATGT, mỹ quan và môi trường; đẩy mạnh thanh, kiểm tra về quản lý thị trường, vệ sinh thực phẩm, môi trường, ANTT.
Thường xuyên tuyên truyền cho người dân và các hộ kinh doanh nâng cao ý thức quản lý, sử dụng và bảo vệ chợ, tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường…
Vận động, khuyến khích các hộ kinh doanh buôn bán các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ, không mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
Xuân Thống