Kinh tế xã hội

Tạo điều kiện để ngư dân bám biển

09:08, 08/05/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Tư thương ép giá thu mua, thị trường tiêu thụ hải sản bị chững lại trước thông tin về hiện tượng cá chết hàng loạt ở vùng biển các tỉnh miền Trung khiến ngư dân vô cùng lo lắng. Khâu tiêu thụ hải sản sau đánh bắt gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của hàng nghìn ngư dân. Trước thực trạng trên, Chính phủ và các địa phương đã và đang đưa ra nhiều giải pháp giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Những ngày đầu tháng 4, tình trạng cá chết hàng loạt trôi dạt về vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) và một số địa phương từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã khiến cho thị trường tiêu thụ hải sản bị ảnh hưởng không nhỏ. Các bộ, ngành, địa phương và giới chuyên môn khoa học đã vào cuộc để điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết. Theo đó, giả thiết cá chết do nhiễm độc đã được đưa ra.

Ngư dân Nghệ An vẫn mua bán, trao đổi và tiêu thụ hải sản bình thường (ảnh chụp tại cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu)
Ngư dân Nghệ An vẫn mua bán, trao đổi và tiêu thụ hải sản bình thường (ảnh chụp tại cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu)

Để giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân, vào chiều 1/5/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành liên quan đã có buổi làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh để chỉ đạo công tác tìm giải pháp khắc phục tình trạng cá chết.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, tìm giải pháp hỗ trợ, thu mua hải sản cho ngư dân để người dân yên tâm bám biển.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc động viên ngư dân bằng cách hỗ trợ gạo, thu mua hải sản tại các tỉnh, thành bị ảnh hưởng đã được khẩn trương triển khai. Đến nay, phần lớn ngư dân đã yên tâm vươn khơi, bám biển trở lại.

Ở Nghệ An, theo ghi nhận của phóng viên, tình hình đánh bắt thuỷ, hải sản trên biển vẫn diễn ra bình thường.

Tại TX Cửa Lò cũng như các địa phương có biển như TX Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, trong các ngày nghỉ lễ vừa qua, hàng nghìn du khách vẫn tìm đến các bãi biển để tắm và vui chơi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình trạng cá chết tại Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung, thị trường tiêu thụ hải sản đã có dấu hiệu chững lại.

Nguyên nhân được xác định là do người dân không còn mặn mà với hải sản bởi quá nhiều thông tin trái chiều xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, hải sản đánh bắt xa bờ hoàn toàn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên người dân có thể yên tâm sử dụng.

“Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, gia đình tôi vẫn đi tắm biển và thưởng thức hải sản. Trước khi đi, chúng tôi cũng hơi bất an, lo lắng vì hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi ra biển, thấy nhiều người vẫn tắm và thưởng thức hải sản như những năm trước nên gia đình thấy yên tâm hơn”, anh Hồ Ngọc Lương trú tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu cho biết.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, trước thông tin cá chết bất thường nghi do nhiễm độc ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) và các tỉnh miền Trung trong thời gian qua, tại các bãi biển như Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai), Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), Bãi Lữ (Nghi Lộc), Cửa Lò, du khách vẫn tắm biển bình thường. Nhiều người khi được hỏi vẫn mang tâm lý nghi ngờ, lo sợ nước biển và hải sản của Nghệ An bị ảnh hưởng nhưng khi đến các bãi biển trên địa bàn, họ hoàn toàn yên tâm.

Tại các địa phương ven biển Nghệ An hiện có trên 4.500 tàu thuyền tham gia đánh bắt thuỷ, hải sản trên biển; sản lượng sau mỗi chuyến ra khơi lên tới hàng trăm tấn cá, mực, tôm… Mặc dù các cơ quan chức năng đã khẳng định vùng biển Nghệ An không hề bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung trong thời gian qua nhưng nhìn chung, nhu cầu tiêu thụ hải sản có sự sụt giảm.

Cụ thể, tại các xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu…, hoạt động thu mua hải sản đã khởi động trở lại, tuy không tấp nập như trước nhưng giá cả các loại cá vẫn còn thấp.

Bên cạnh đó, lợi dụng tâm lý đám đông, nhiều tư thương đã ép giá ngư dân với mức giá chưa bằng 50% giá bán như thời điểm trước. Riêng các loại hải sản có giá trị xuất khẩu cao như cá thu, cá hố tại xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Sơn Hải… của huyện Quỳnh Lưu, thay vì giá bán trên 200.000 đồng/kg thì nay chỉ còn dưới 100.000 đồng/kg.

Trước thực trạng trên, đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra, ngăn chặn tình trạng tư thương ép giá thu mua hải sản của ngư dân. Việc hỗ trợ ngư dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm đánh bắt từ biển về là cần thiết, nhằm tránh tình trạng một số cá nhân lợi dụng tâm lý chung để trục lợi. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền tới người dân về việc các loại hải sản đánh bắt tại vùng biển Nghệ An là đảm bảo an toàn cũng cần được đẩy mạnh.

Ngọc Thái

Các tin khác