Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201603/mo-hinh-trong-rau-an-toan-can-chu-trong-quan-tam-hon-nua-664628/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201603/mo-hinh-trong-rau-an-toan-can-chu-trong-quan-tam-hon-nua-664628/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mô hình trồng rau an toàn: Cần chú trọng, quan tâm hơn nữa - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 02/03/2016, 10:18 [GMT+7]

Mô hình trồng rau an toàn: Cần chú trọng, quan tâm hơn nữa

(Congannghean.vn)-Thực tế hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong sử dụng nguồn rau sạch là mối quan tâm lớn của người tiêu dùng. Trong khi đó, các mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) của người dân lại đang ít được quan tâm, chú trọng.

Ngày 28/1/2008, tiêu chuẩn VietGAP chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Cùng với các địa phương trong cả nước, Nghệ An là tỉnh sớm áp dụng việc phát triển trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để hướng tới cung cấp cho thị trường lượng rau an toàn cũng như phục vụ xuất khẩu.

Theo đánh giá, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cùng với công tác đẩy mạnh liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - doanh nghiệp, người nông dân trong sản xuất rau an toàn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình rau sạch tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu
Mô hình rau sạch tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu

Ngoài ra, với Quyết định 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản thì người dân cũng được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện mô hình trồng rau an toàn. Một số địa phương có diện tích trồng rau lớn như: Xã Diễn Thành (Diễn Châu), xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu); các xã Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Kim, Hưng Đông (TP Vinh)… cũng thực hiện việc hỗ trợ 100% cây giống, phân bón cho bà con nông dân.

Theo phân tích của các chuyên gia trồng trọt, với việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, người dân sẽ giảm được khoảng trên 20% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, thời gian để cách ly giữa rau với thuốc bảo vệ thực vật khá dài (khoảng gần 1 tháng) nên sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ sẽ đảm bảo VSATTP.

Bên cạnh đó, sản phẩm rau an toàn khi được chấp nhận sẽ có giá bán cao hơn khoảng 5 - 10% so với giá thị trường. Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ thì diện tích rau an toàn trên địa bàn trong thời gian qua chỉ vài trăm ha; mô hình trồng rau an toàn ở nhiều nơi còn manh mún, nhỏ lẻ và còn khá khiêm tốn trong tổng diện tích sẵn có của địa phương. Có rất nhiều khó khăn khiến người dân chưa mấy mặn mà với việc trồng rau an toàn, như: Tốn nhiều công chăm sóc, thời gian sinh trưởng dài hơn, kênh tiêu thụ sản phẩm chưa đảm bảo…

Ông Dương Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thuỷ sản Nghệ An cho biết: Hiện nay, ngân sách Nhà nước để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ xây dựng quy trình VietGAP đang được thực hiện ở khâu trồng và hái. Đây là quy trình đòi hỏi sự giám sát gắt gao của nhà nông lẫn doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Riêng đối với khâu sơ chế, thực tế hiện nay vẫn chưa thể thực hiện một cách đồng bộ. Mặt khác, nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn khiến người tiêu dùng khó phân biệt chất lượng, vì thế, chưa tạo được niềm tin bền vững đối với người tiêu dùng.

Để thực hiện tốt Quyết định 809/QĐ-TTg ngày 30/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/10/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 4654/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Tổ chức sản xuất rau an toàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020”. Theo đó, các mục tiêu được đặt ra gồm: Diện tích canh tác trong thời gian tới đạt khoảng 1.600 ha; diện tích gieo trồng rau an toàn 6.000 ha, chiếm khoảng 22% tổng diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh; năng suất bình quân đạt 150 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 90.000 tấn…

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra, từng bước giúp người nông dân mở rộng diện tích trồng rau an toàn, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao hơn nữa nhận thức của người trồng rau về vấn đề này. Đặc biệt, cần có sự gắn kết hơn nữa giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - doanh nghiệp trong vấn đề bao tiêu, tìm đầu ra cho sản phẩm rau an toàn.

.

Ngọc Thái

.