Kinh tế xã hội
Chậm giải quyết quyền lợi
(Congannghean.vn)-Thực hiện Quyết định 09/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2015, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện chủ trương nhằm hỗ trợ nông dân trong phát triên sản xuất. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện, tại huyện Anh Sơn, nhiều hộ dân vẫn chưa được hưởng lợi, khiến người dân bức xúc.
Theo Quyết định nói trên, tại Mục 1, Điều 9 (Máy cày đa chức năng, máy gặt, máy cấy), Chương I ghi rõ: Hỗ trợ mua máy cày đa chức năng công suất từ 8 - 30 CV và máy công tác kèm theo (bánh lồng, phay, cày lưỡi hoặc cày đĩa, bừa, vét bờ, bơm nước, rơ moóc) được hỗ trợ 20% giá trị máy hoàn chỉnh và cấp bù lãi suất cho 80% giá trị máy hoàn chỉnh còn lại trong thời gian 36 tháng đối với các huyện, xã miền núi và được cấp bù lãi suất cho 2/3 giá trị máy hoàn chỉnh trong thời gian 36 tháng đối với các huyện, xã đồng bằng.
Một hộ dân ở xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn bên sổ nợ gần hết thời gian đóng tiền gốc của gia đình nhưng chưa nhận được hỗ trợ |
Căn cứ theo Quyết định trên, nhiều huyện miền núi đã áp dụng và tiến hành xác nhận cho người dân của huyện mua máy cày, máy cắt chè, máy gặt... Huyện Anh Sơn cũng là một trong những địa phương được tập trung triển khai chủ trương này. Theo số liệu từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Anh Sơn (đơn vị được chỉ định cho người dân vay vốn), vào năm 2013, huyện Anh Sơn có 45 hộ dân được UBND huyện Anh Sơn ban hành quyết định để được vay vốn theo Quyết định 09/2012 của UBND tỉnh.
Thực tế, trong năm 2013, có nhiều hộ dân ở một số xã của huyện Anh Sơn như Tào Sơn, Tường Sơn… có quyết định của huyện đề xuất về việc mua máy cày, máy cắt chè... Tuy nhiên, các hộ dân lại không được nhận mức hỗ trợ 20% số tiền mua máy đã quy định trong Quyết định 09/2012.
Anh Mai Xuân H. trú tại xóm 12, xã Tào Sơn, một trong những hộ dân chưa được nhận tiền hỗ trợ cho biết: Năm 2013, khi xóm trưởng thông báo về việc đăng ký mua máy cày sẽ được hỗ trợ 20% tiền máy và số tiền còn lại sẽ được ngân hàng cho vay với lãi suất 0% trong vòng 3 năm, vợ chồng anh đã làm thủ tục để mua máy cày đa chức năng; mấy tuần sau thì nhận được quyết định của huyện, sau đó đã đi mua máy. Đến nay đã 2 năm, vợ chồng anh chị vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ dù đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên.
Nhiều hộ dân đã mua máy cày đa chức năng nhưng chưa được hỗ trợ |
Gia đình anh Nguyễn Viết X. cũng mua máy cày cùng thời điểm với anh H. ở xã Tào Sơn. Anh X. cho biết, cũng như mọi người trong xóm, anh đã đăng ký và nhận được quyết định mua máy cày. Sau đó, anh cùng một số người trong xã cầm quyết định mua máy do huyện cấp đến Công ty CP Cơ giới nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An mua máy. Tại đây, anh mua máy cày với giá 36 triệu đồng, trong đó số tiền 29.040.000 đồng là ngân hàng cho vay, số còn lại do gia đình anh bỏ ra. Đến nay đã 2 đợt đóng tiền gốc cho ngân hàng và sắp sửa đóng hết tiền gốc lần thứ 3 nhưng gia đình anh “vẫn chưa nhận được một đồng nào từ khoản tiền hỗ trợ”.
Theo ghi nhận, hiện, tại xã Tào Sơn còn 8 hộ dân chưa nhận được tiền hỗ trợ; trong khi những hộ dân đăng ký mua máy trước năm 2013 và những hộ đăng ký sau cũng đã nhận được tiền hỗ trợ. Trong số đó có gia đình anh Nguyễn Văn Chung ở xã Tào Sơn. Anh Chung cho biết: Mua máy cùng đợt với anh có 5 người. Ngày 27/3/2014, anh đến công ty lấy loại máy có giá 34 triệu đồng, trong đó ngân hàng cho vay 29.040.000 đồng. Sau khi lấy máy và bổ sung một số phụ tùng, lúc về, anh còn được công ty đưa thêm 1.900.000 đồng (số tiền đưa thêm cho anh Chung và số tiền bù vào mua máy chính là khoản hỗ trợ 20% tiền mua máy mà anh Chung đã nhận được ngay trong ngày mua máy). Những người mua cùng đợt với anh Chung cũng đã nhận được tiền hỗ trợ. Anh Chung cho biết thêm, có nhiều hộ trong xã mua trước đó cũng đã nhận được tiền hỗ trợ từ công ty bán máy, có người được nhận luôn, cũng có người 6 tháng sau mới được nhận.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn, theo Quyết định 09/2012, tiền hỗ trợ không chuyển về huyện mà chuyển về công ty được chỉ định trực tiếp bán máy cho người dân. Tỉnh chuyển về số tiền bao nhiêu thì huyện không biết. Còn huyện chỉ là “trung gian” trong việc ban hành quyết định để người dân có đủ cơ sở, điều kiện để vay vốn mua máy. Công ty bán máy không thông báo với huyện có bao nhiêu chỉ tiêu nên huyện không nắm được. Trước tình hình trên, tháng 6/2014, huyện cũng đã có tờ trình về việc bổ sung kinh phí trợ giá cho người dân đã mua máy cày đa chức năng trong năm 2012, 2013 đến nay chưa được hưởng lợi từ Quyết định 09/2012.
Cũng theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn, huyện rất quan tâm đến chủ trương này nhưng về khoản tiền, lãi suất cho vay là do ngân hàng và tỉnh làm việc với nhau. Trên thực tế còn có nhiều hộ chưa nhận được tiền hỗ trợ, do nhu cầu mua máy của người dân rất lớn trong khi kinh phí trợ giá theo chính sách của tỉnh chưa thể đáp ứng. Đặc biệt, sau khi thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa thành công, theo số liệu huyện cung cấp, từ năm 2012 đến tháng 5/2014, toàn huyện có 64 hộ đã mua máy cày đa chức năng theo quyết định của UBND huyện chưa được hưởng chính sách với tổng số tiền 518.850.000 đồng. Cụ thể, năm 2012 có 48 hộ, năm 2013 có 14 hộ và năm 2014 có 2 hộ.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP Cơ giới nông nghiệp và phát triển Nghệ An - 1 trong 6 công ty được chỉ định bán máy cày trên địa bàn huyện Anh Sơn cho biết, hàng năm, tỉnh chi tiền vào 2 đợt, đợt một cho ứng trước một nửa và đợt sau sẽ quyết toán đầy đủ. Mỗi lần tỉnh “rót” về khoản nào thì Công ty đã cắt cho những hộ dân mua máy khoản đó. Để xảy ra tình trạng trên là do nhu cầu người dân mua máy cao, vượt số tiền mà tỉnh chi cho các công ty. Thực tế trên không chỉ tồn tại ở huyện Anh Sơn mà còn ở nhiều huyện khác như Thanh Chương, Tân Kỳ…
Xuân Thống