Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201602/bao-ton-de-phat-trien-ben-vung-kho-bau-mien-tay-xu-nghe-664214/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201602/bao-ton-de-phat-trien-ben-vung-kho-bau-mien-tay-xu-nghe-664214/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bảo tồn để phát triển bền vững 'kho báu' miền Tây xứ Nghệ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 29/02/2016, 09:44 [GMT+7]

Bảo tồn để phát triển bền vững 'kho báu' miền Tây xứ Nghệ

(Congannghean.vn)-Với sự đa dạng sinh học và bản sắc văn hoá độc đáo, miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới vào năm 2007. Đây được xem là 'kho báu' của miền Tây xứ Nghệ. Dấu mốc này là sự ghi nhận thành quả của công tác quản lý bảo vệ rừng, môi trường, bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hoá của các dân tộc cũng như sự quan tâm vào cuộc của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để nơi đây thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách cũng như khai thác có hiệu quả các nguồn lợi thiên nhiên, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Đánh thức tiềm năng

Khu DTSQ miền Tây nằm trên địa bàn thuộc 9 huyện miền núi của tỉnh, với tổng diện tích 1,3 triệu ha, là hành lang xanh kết nối 3 khu rừng đặc dụng ở vùng lõi, gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Khu DTSQ miền Tây Nghệ An có hệ động, thực vật đa dạng, phong phú với nhiều loài đặc hữu được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Hiện nay, tại đây có trên 2.500 loài thực vật bậc cao, hơn 1.000 loài động vật, trong đó có nhiều loài động, thực vật quý hiếm như: Sao la, mang lớn, bò tót, hổ, báo, sa mu, pơ mu, lim, sến, táu, dổi… Đây cũng là nơi giao thoa của hệ thống động, thực vật Nam và Bắc Trường Sơn trong những cánh rừng nguyên sinh có độ cao từ 1.000 - 2.000 m.

Vườn quốc gia Pù Mát - nơi bảo tồn và phát triển rừng bền vững
Vườn quốc gia Pù Mát - nơi bảo tồn và phát triển rừng bền vững

Ngoài ra, gần như toàn bộ hệ sinh thái rừng tại đây còn được gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn với độ che phủ gần 80%. Nơi đây có nhiều hang động, thác nước tự nhiên như thác Sao Va ở huyện Quế Phong; thác Kèm ở huyện Con Cuông; suối Tiên, suối nước nóng ở huyện Tân Kỳ; hang Thẳm Bua ở huyện Quỳ Châu; đồng thời là nơi sinh sống lâu đời của 6 dân tộc anh em: Kinh, Thái, Đan Lai, Khơ Mú, Ơ Đu, Mông.

Đây là những yếu tố tạo nên nhiều nét văn hoá độc đáo, gắn liền với di tích thành Trà Lân, bia Ma Nhai, cây đa Cồn Chùa ở huyện Con Cuông; đền Chín gian ở huyện Quế Phong…Những địa chỉ này là nơi lưu giữ nhiều phong tục, tập quán độc đáo, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Sau khi Khu DTSQ miền Tây Nghệ An được công nhận, ngành Lâm nghiệp Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, đưa các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng,  khu bảo tồn và lực lượng kiểm lâm hoạt động tích cực, hiệu quả. Đáng chú ý là mới đây, trên vùng đệm của Khu DTSQ, việc rừng đặc dụng săng lẻ Tương Dương được đưa vào dự án để bảo tồn, phát triển đã góp phần khẳng định vai trò, ý nghĩa của vùng miền Tây cũng như trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và người dân trong công tác bảo tồn, phát triển các giá trị của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An.

Sự cần thiết của việc bảo tồn đa dạng sinh học

Thực tế cho thấy, hiện nay, do nhiều nguyên nhân, tính đa dạng sinh học của Khu DTSQ miền Tây đang có chiều hướng suy giảm. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã làm thay đổi sự cân bằng tự nhiên, suy giảm tính đa dạng sinh học, ảnh hưởng tới chất lượng và suy giảm trữ lượng tài nguyên.

Trong đó, tác nhân chính là các hoạt động khai thác gỗ, tre nứa bất hợp pháp; tình trạng đánh bắt cá tràn lan, thậm chí đánh bắt cá bằng mìn, điện, thả chất độc trên sông suối làm ô nhiễm, phá huỷ môi trường sống bằng hình thức huỷ diệt trong các khu rừng đặc dụng; tình trạng phát nương làm rẫy, dẫn đến cháy rừng trong mùa khô, làm mất nơi cư trú của nhiều loài động vật.

Ngoài ra, các hoạt động khai thác lâm sản như: Lấy măng, cây thuốc, mật ong cũng ảnh hưởng lớn tới sự đa dạng sinh học. Tình trạng săn bắn, đánh bẫy các loài động vật dẫn tới sự suy giảm số lượng cá thể của một số loài, đe doạ tuyệt chủng một số loài khác.

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ Việt Nam nói chung và các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An nói riêng đã đề ra nhiều biện pháp, chính sách kèm theo nhằm bảo vệ tốt hơn tài nguyên sinh học của khu vực. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra sự cần thiết phải giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển.

Theo ông Vi Lưu Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học đang được đặc biệt quan tâm không chỉ ở phạm vi riêng lẻ của từng quốc gia mà của toàn nhân loại. Điều đó xuất phát từ thực tiễn, bảo tồn tài nguyên và sự đa dạng sinh học gắn bó chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia cũng như góp phần hạn chế các tác động của sự biến đổi khí hậu. Do đó, Đề án bảo tồn và phát triển Khu DTSQ miền Tây Nghệ An được ban hành trong thời gian tới là nhằm hướng đến mục tiêu bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững; đồng thời đảm bảo tốt hơn các nhu cầu của cuộc sống con người.

Trong bối cảnh đó, bảo tồn trong tư thế mở nhằm chia sẻ lợi ích, hướng tới sự hài hòa, thân thiện giữa con người và thiên nhiên là xu thế chung của thế giới. Trong đó, Khu DTSQ được kỳ vọng là mô hình phát triển bền vững, đồng thời là công cụ phục vụ quá trình bảo tồn sự đa dạng sinh học.

.

Xuân Thống

.