Kinh tế xã hội

Tăng cường kiểm soát thực phẩm ở các lò mổ gia súc dịp cuối năm

09:04, 05/12/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh gia súc lây lan nhanh, phát triển mạnh là do công tác quản lý giết mổ gia súc còn bị xem nhẹ. Dịp cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đồng nghĩa với việc lượng thực phẩm từ gia súc được đưa ra thị trường ngày càng lớn. Do đó, tăng cường công tác quản lý thực phẩm từ các lò giết mổ gia súc là nhiệm vụ hết sức cần thiết.

Pháp lệnh Thú y quy định, các tổ chức, cá nhân hành nghề giết mổ gia súc phải có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh thú y. Thịt và các sản phẩm gia súc khác trước và sau khi giết mổ đều phải được kiểm dịch, đóng dấu chứng nhận đảm bảo vệ sinh thú y mới được vận chuyển, đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các điểm giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh đều hoạt động tự do và việc quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn bị buông lỏng.

Xã Nghi Phú, TP Vinh, tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều hộ mở các lò giết mổ gia súc lớn từ trước đến nay. Hiện nay, toàn xã có 2 cơ sở giết mổ gia súc tập trung, với hơn 100 hộ dân hành nghề thường xuyên, sản lượng thịt cung cấp cho thị trường trên địa bàn TP Vinh và các vùng phụ cận chiếm trên 60% tổng sản lượng tiêu thụ. Việc tổ chức giết mổ gia súc tập trung không chỉ đảm bảo sự ổn định về nguồn thực phẩm mà còn góp phần phòng, chống dịch bệnh và các vấn đề về môi trường.

Ban chỉ đạo VSATTP tỉnh kiểm tra thực phẩm được đưa ra thị trường từ các cơ sở giết mổ gia súc
Ban chỉ đạo VSATTP tỉnh kiểm tra thực phẩm được đưa ra thị trường từ các cơ sở giết mổ gia súc

Theo khảo sát, trên địa bàn TP Vinh hiện có trên 260 hộ dân hành nghề giết mổ gia súc tập trung, chủ yếu ở các xã như Nghi Phú, Nghi Kim, Nghi Đức, Hưng Lộc, Hưng Chính và các phường Hưng Dũng, Vinh Tân, Bến Thủy... Bình quân mỗi ngày giết mổ trên 650 con lợn và trên 50 con trâu. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, số hộ tổ chức giết mổ gia súc tự phát đem ra tiêu thụ trên thị trường còn lớn hơn nhiều so với con số thống kê trên.

Trước thực tế đó, UBND TP Vinh đã ban hành Đề án “Quản lý, giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn TP Vinh”, nhằm tăng cường quản lý dịch bệnh, tạo ra thực phẩm sạch, an toàn cho người dân.

Ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 60 cơ sở giết mổ gia súc nhưng chỉ có 33 cơ sở hoạt động có sự kiểm soát. Công tác giết mổ tại các chợ gần như bị “thả nổi”, trong đó có nguyên nhân là do việc vận động người dân mang gia súc vào khu giết mổ tập trung gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chất lượng việc kiểm tra các cơ sở giết mổ tập trung chưa cao vì phương tiện kiểm tra còn thiếu, việc kiểm tra sản phẩm thịt gia súc không thể tiến hành một cách triệt để. Thêm vào đó, nếu để sản phẩm gia súc đưa ra thị trường đảm bảo “sạch” thì yếu tố quan trọng nhất là phải kiểm soát ngay từ khâu giết mổ. Còn việc tiến hành kiểm tra vệ sinh thú y trên sản phẩm thịt gia súc đã đưa ra thị trường cũng không thể tránh khỏi nguy cơ lây lan dịch bệnh, vì khi gia súc nếu được giết thịt rồi đem bán có thể dẫn đến gây phát tán dịch bệnh nhanh và trên phạm vi rộng.

Thực tế những năm qua, tình hình dịch bệnh ở gia súc diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, tránh xảy ra dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành thú y, vừa góp phần từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo vệ sinh thú y, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Vì vậy, để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền, nhất là ý thức cộng đồng, trách nhiệm, lương tâm của mỗi người dân và hộ gia đình tham gia kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm.

Xuân Thống

Các tin khác