Kinh tế xã hội

Phát triển quy hoạch vùng chuyên canh rau màu

08:11, 03/12/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Phát triển rau an toàn hướng đến chuyên canh, sản xuất hàng hóa, áp dụng nhanh khoa học công nghệ; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm là nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo sản phẩm rau an toàn cung cấp cho thị trường, qua đó nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.

Xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, được biết đến là vùng chuyên canh rau màu an toàn, sớm khẳng định thương hiệu từ những năm 2000. Sản phẩm rau sạch của địa phương được trồng, chăm sóc theo quy trình “sạch”, được một số trung tâm thương mại lớn như Siêu thị Big C, Siêu thị Metro Hà Nội ký hợp đồng thu mua hàng năm, góp phần đưa thương hiệu của vùng biển nói riêng và sản phẩm nông nghiệp của Nghệ An nói chung vươn ra thị trường trong nước.

Mới đây, Dự án Trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao được triển khai ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn cũng đã phát huy hiệu quả khi cung cấp một lượng lớn sản phẩm rau sạch cho người tiêu dùng. Hệ thống 8 nhà kính (bình quân 5.000 m2/nhà) và cánh đồng mở có quy mô 80 ha đang mang lại hiệu quả cao. Với diện tích trên, rau được sản xuất theo công nghệ truyền thống nhưng hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không chỉ cung cấp cho thị trường Nghệ An mà còn ở Hà Nội.

Chăm sóc rau trong nhà lưới ở xã Hưng Đông, TP Vinh
Chăm sóc rau trong nhà lưới ở xã Hưng Đông, TP Vinh

Không chỉ các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap trên diện tích trên 190 ha, sản xuất 3 vụ/năm ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cũng đã cung cấp sản phẩm rau sạch, an toàn đến người tiêu dùng theo cơ chế liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - doanh nghiệp.

Theo khảo sát, đến hết năm 2014, quy mô và bố trí sản xuất vùng rau trên địa bàn tỉnh là 490 ha diện tích canh tác, 1.289 ha diện tích gieo trồng được áp dụng quy trình sản xuất tiêu chuẩn an toàn (VietGap, GAP). Việc khuyến khích trồng rau theo hướng an toàn nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nói chung và đầu tư vào sản xuất rau an toàn nói riêng; là đầu tàu để liên kết sản xuất, gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn, đầu tư các dự án sản xuất rau an toàn, rau công nghệ cao. Cùng với đó là tổ chức sản xuất theo khoa học công nghệ, quản lý chất lượng, thị trường tiêu thụ và chính sách hỗ trợ, nguồn vốn để thực hiện dự án.

Theo Quyết định 4654 phê duyệt Đề án tổ chức sản xuất rau an toàn giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh mới được UBND tỉnh thông qua, mục tiêu đạt diện tích canh tác là 1.600 ha, diện tích đất gieo trồng rau an toàn là 6.000 ha, chiếm 22% tổng diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh, năng suất đạt 150 tạ/ha, sản lượng đạt 90.000 tấn, giá trị sản lượng bình quân đạt từ 120 - 130 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả sản xuất tăng 15 - 20% so với sản xuất thường.

Để thực hiện mục tiêu trên, các địa phương cần xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức sản xuất, tiêu thụ; phối hợp với các ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước và xúc tiến đầu tư kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất rau an toàn tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

Châu Yên

Các tin khác