Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201512/su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-khong-hieu-qua-nong-dan-thiet-don-thiet-kep-653882/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201512/su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-khong-hieu-qua-nong-dan-thiet-don-thiet-kep-653882/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nông dân thiệt đơn, thiệt kép - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 24/12/2015, 15:14 [GMT+7]
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không hiệu quả

Nông dân thiệt đơn, thiệt kép

(Congannghean.vn)-Là thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ chuột có công dụng chống đông máu, gây xuất huyết nội tạng, chuột thường bị chết sau khi ăn bã từ 3 - 5 ngày… nên sản phẩm thuốc trừ chuột nhãn hiệu RAT K2%DP của Công ty Thanh Sơn Hóa Nông - TP Hồ Chí Minh được nông dân ở nhiều địa phương tin dùng. Thế nhưng, khi đưa vào sử dụng tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã không mang lại hiệu quả, khiến các hộ nông dân ở đây thiệt đơn, thiệt kép.

Thiệt hại từ chuột… nhờn thuốc

Anh Hồ Trọng Mão và anh Chu Duy Phong ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã bàn bạc và đi đến quyết định trồng ngô vụ đông, với diện tích gần 20 ha. Sau khi làm đất, mua giống, ngày 28/9, 2 gia đình đã tiến hành gieo trồng ngô.

Để ngô sinh trưởng tốt và phòng trừ sâu bệnh, dịch hại, ngày 4/10, anh Mão đến cơ sở cung cấp thuốc bảo vệ thực vật Hồng Huyền tại xã Diễn Xuân, là đại lý ủy nhiệm của Trạm Giống cây trồng Diễn Châu mua 100 gói (mỗi gói 10 gam) thuốc trừ chuột nhãn hiệu RAT K2% DP để về phun cho ngô. “Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, tôi lấy gạo ngâm nước vừa đủ ấm, sau đó trộn với thuốc rồi đưa ra cánh đồng ngô để diệt chuột nhưng đến tận 5 ngày sau vẫn không có tác dụng mà ngược lại, cánh đồng ngô bị chuột phá hoại ngày càng nhiều”, anh Mão cho biết.

Thuốc trừ chuột RAT K2%DP không mang lại hiệu quả
Thuốc trừ chuột RAT K2%DP không mang lại hiệu quả

Là năm đầu tiên trồng ngô, nghĩ chưa có kinh nghiệm nên việc sử dụng thuốc trừ chuột chưa đem lại hiệu quả, gia đình anh Mão đã ra cánh đồng đào chuột trong ổ về nuôi nhốt, cho ăn rồi pha thuốc trừ chuột RAT K2% DP tiêm vào miệng chuột. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, toàn bộ số mồi nhử trộn thuốc, chuột đã ăn hết nhưng không có con nào chết.

Sau đó, gia đình đã trực tiếp đến đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật Hồng Huyền trình bày sự việc nhưng chỉ nhận được câu trả lời là không rõ lý do. Anh Mão tiếp tục đến Trạm Bảo vệ thực vật huyện Diễn Châu để tìm hiểu. Tại đây, Trạm cũng chỉ tiếp thu ý kiến phản ánh của anh Mão và hướng dẫn anh làm đơn để đơn vị báo cho Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh.

Ngày 13/10, Phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu có Công văn 15/CV-NN gửi Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh về việc đề nghị kiểm tra chất lượng thuốc trừ chuột RAT K2% DP do Công ty Thanh Sơn Hóa Nông sản xuất. Ngày 19/10, Chi cục đã thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu thuốc để kiểm tra chất lượng, đồng thời tiến hành thử nghiệm trên chuột tại phòng thí nghiệm nhưng sau 1 tuần, chuột vẫn không chết.

Tiếp đó, ngày 29/10, Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc đã có phiếu báo kết quả số 2242/486 gửi Chi cục, thông báo thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng. Sau đó, Chi cục tiếp tục gửi mẫu đi Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam nhưng kết quả vẫn như trên.

Ông Lê Hồng Nghệ, Chủ tịch UBND xã Diễn Trường cho biết, 2 hộ gia đình anh Mão và anh Phong trồng ngô trên cánh đồng của xã bắt đầu từ năm nay. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là do họ tự tìm hiểu và liên hệ mua. Trước đây trên địa bàn, việc mua thuốc bảo vệ thực vật đều thông qua hợp tác xã.

Qua tìm hiểu được biết, lâu nay, hội viên hợp tác xã không sử dụng loại thuốc này. Sau khi có sự việc trên, anh Mão đã báo cáo lên cơ quan chức năng. Sau đó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã có văn bản phúc đáp và xã đã thông báo trên loa phát thanh khuyến cáo người dân không nên dùng loại thuốc này.

Anh Hồ Trọng Mão trước cánh đồng ngô của gia đình bị chuột phá hoại
Anh Hồ Trọng Mão trước cánh đồng ngô của gia đình bị chuột phá hoại

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết: Sau khi tiến hành thử nghiệm các bước trên chuột nhưng không đem lại hiệu quả, để có thông tin đầy đủ, chính xác hơn, ngày 10/11, Chi cục đã trực tiếp gặp các hộ gia đình đã dùng thuốc trừ chuột RAT K2% DP để tìm hiểu cách sử dụng thì được biết, họ đều sử dụng thuốc theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Đoàn cũng đã hướng dẫn nông dân thay đổi các loại thuốc khác để diệt chuột.

Ngày 4/12, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã có Công văn 265 gửi Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đề nghị cho thử nghiệm lại hiệu quả của thuốc trừ chuột RAT K2%DP và hoạt chất Warfarin để có cơ sở khoa học trong công tác quản lý về chất lượng và chỉ đạo phòng trừ chuột. Trong khi chờ kết quả thử nghiệm và chỉ đạo của Cục, đề nghị các huyện chỉ đạo UBND xã và các cơ sở mua bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn Nghệ An khuyến cáo nông dân không sử dụng loại thuốc trừ chuột trên và các loại thuốc phòng trừ chuột khác có hoạt chất Warfarin.

Tăng cường kiểm tra thị trường thuốc bảo vệ thực vật

Để tìm hiểu vấn đề trên, chúng tôi tìm đến cơ sở cung cấp thuốc trừ chuột cho nhiều hộ nông dân, trong đó có anh Mão và anh Phong. Ông Hoàng Văn Hồng, chủ một cơ sở đại lý thuốc bảo vệ thực vật tại xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, họ đã nắm thông tin về việc thuốc trừ chuột sử dụng trên cánh đồng ngô ở xã Diễn Trường không mang lại hiệu quả.

Thực tế, gia đình ông Hồng đã kinh doanh và cung ứng loại thuốc này từ nhiều năm nay và đây là lần đầu tiên xảy ra “sự cố” ngoài ý muốn. Sau khi xảy ra sự việc, Trạm Bảo vệ thực vật đã đề nghị nhà sản xuất là Công ty Thanh Sơn Hóa Nông có hướng hỗ trợ nông dân nhưng chưa được chấp thuận.

Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: Sau khi Chi cục có danh sách kiểm duyệt về các hoạt chất cho phép sử dụng thuốc trừ chuột, các cửa hàng, đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật ở huyện Diễn Châu đã lựa chọn để bán rộng rãi. Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, phía cơ quan quản lý là Phòng Nông nghiệp và cơ quan chuyên môn là Trạm Bảo vệ thực vật không đủ điều kiện kiểm tra hàm lượng hoạt chất Warfarin mà phải phụ thuộc đề nghị của Chi cục đến Trung tâm kiểm định. Cũng theo ông Hiếu, để xảy ra sự việc này, phía nhà sản xuất cũng phải có trách nhiệm và biện pháp hỗ trợ nông dân.

.

Xuân Thống

.