Kinh tế xã hội
Hướng đi nào cho thực phẩm sạch?
(Congannghean.vn)-Chủ đề của “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2015 là “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP, vai trò của các cá nhân, tổ chức đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, trên cả nước, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ATTP vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Chưa bao giờ, việc chọn mua, sử dụng thực phẩm lại khiến người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng như hiện nay.
Kỳ 1: Hoang mang trước thực phẩm bẩn
Trong một vài năm trở lại đây, việc liên tục phát hiện các chất cấm trong thực phẩm, những vụ ngộ độc tập thể có chiều hướng gia tăng tại các khu công nghiệp, nhà máy... đã khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng về vấn đề ATTP.
Nội dung này cũng đã được các đại biểu Quốc hội đưa vào phiên chất vấn trong kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII về trách nhiệm của các bộ, ngành và cơ quan chức năng trong việc quản lý, nuôi trồng, chế biến, lưu thông và tiêu dùng thực phẩm. Các đại biểu đã phân tích về “những cái chết từ từ từ trang trại đến bàn ăn”.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát thẳng thắn thừa nhận: Lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đều đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, hàng loạt văn bản đã được ban hành. Tuy nhiên, từ việc ban hành đến triển khai, hướng dẫn sản xuất, kiểm tra, giám sát tới hàng triệu hộ dân, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư và sản phẩm nông lâm, thủy sản vẫn chưa thật sự sâu rộng và mang lại hiệu quả cao.
Trước thực trạng phần lớn thực phẩm bị ô nhiễm như hiện nay, người tiêu dùng rất khó đưa ra lựa chọn |
Hơn một năm nay, chị Nguyễn Thị Hoa (phường Trường Thi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) mua thực phẩm qua nhiều nguồn khác nhau vì không biết đâu là thực phẩm sạch. Ban đầu, chị mua thịt tại một cửa hàng được quảng cáo là thịt sạch, mang xuống từ huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Chị thường đến sớm để lựa chọn phần thịt tươi ngon nhất. Tuy nhiên, sau khi luộc thì phát hiện thịt có mùi hôi. Riêng về rau, dù đã chọn mua ở các ki-ốt quen thuộc nhưng chị vẫn không mấy tin tưởng. Vì vậy, mỗi lần đi chợ, chị lại phân vân, lo lắng. Tâm trạng của chị Hoa cũng là nỗi lo của rất nhiều bà nội trợ Việt Nam.
Trong thời gian qua, dư luận không ít lần xôn xao trước hàng loạt vụ ngộ độc thức ăn do thực phẩm bẩn. Vào lúc 13 giờ 15 phút ngày 26/3/2015, tại Công ty TNHH CY Vina (KCN Long Đức, TP Trà Vinh) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, công nhân có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn bữa trưa. Kết quả phân tích của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế, nguyên nhân ban đầu được xác định là do thức ăn bị nhiễm độc. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm, cả nước có trên 1.000 người phải nhập viện vì ngộ độc tại các bếp ăn tập thể.
Người dân lựa chọn rau sạch tại một cửa hàng trên địa bàn TP Vinh |
Trong một diễn biến khác, các lực lượng chức năng liên tục phát hiện các chất cấm được sử dụng trong chăn nuôi. Ngày 16/11, các lực lượng thanh tra chuyên ngành - Bộ NN&PTNT và Cục Cảnh sát PCTP về môi trường (C49) Bộ Công an đã tiến hành niêm phong hàng tấn hàng hóa là sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa chất tạo nạc Salbutamol và chất vàng ô tại 2 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên. Những chất này gây tồn dư trong cơ thể, không thể đào thải và có khả năng gây ung thư rất cao.
Điều này khiến người dân thêm phần lo ngại bởi theo một nghiên cứu khoa học, thực phẩm bẩn là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư tại Việt Nam. Tại Hội thảo quốc gia Phòng, chống ung thư lần thứ 17, Hội Phòng, chống ung thư công bố, mỗi năm Việt Nam có 130.000 - 160.000 trường hợp bị ung thư. Trong đó có khoảng 85.000 - 115.000 người tử vong do căn bệnh này và hơn 1/3 số ca ung thư có liên quan đến thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất độc hại. Trước thực trạng trên, nhu cầu tìm mua, sử dụng thực phẩm sạch trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Loay hoay tìm hướng đi cho thực phẩm sạch
Mai Hậu