Kinh tế xã hội
Tăng nguồn tín dụng để giải quyết việc làm
(Congannghean.vn)-Nhằm từng bước giúp người dân, nhất là những người trong độ tuổi lao động hiện nay có việc làm và từng bước ổn định cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2015/NĐ-CP. Đây được xem là “cú hích” giúp cả doanh nghiệp và người lao động có thêm nguồn tín dụng để giải quyết vấn đề việc làm.
Trên thực tế, với nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 61, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất kinh doanh đã có thêm “phao cứu sinh” để yên tâm hoạt động.
Mỗi dự án được vay tối đa 1 tỉ đồng
Ngày 9/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, có hiệu lực từ ngày 1/9/2015. Tuy nhiên, để Nghị định 61 thực sự đi vào cuộc sống thì phải chờ các văn bản, thông tư… hướng dẫn các quy định thực hiện cụ thể.
Mới đây, vào ngày 11/11/2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH, Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành Văn bản số 3798 ngày 20/11/2015 về hướng dẫn thực hiện Nghị định 61 cho mỗi địa phương. Nhờ vậy, Nghị định này đã được cụ thể hóa trong thực tiễn.
Nguồn vốn vay theo Nghị định 61 hứa hẹn sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động |
Nghị định 61 quy định, đối tượng được hỗ trợ gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, người lao động; cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật; cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.
Điều 24 của Nghị định 61 cũng quy định mức vay như sau: Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay 1 dự án tối đa là 1 tỉ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng. Thời hạn vay vốn cũng do Ngân hàng Chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận, căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn. Tuy nhiên, thời hạn vay vốn cũng quy định không được quá 60 tháng.
Lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động là 6,6%/năm, bằng mức vay đối với chế độ ưu đãi cho hộ nghèo. Còn đối với các đối tượng còn lại như cơ sở doanh nghiệp vừa và nhỏ có sử dụng lao động là người khuyết tật, dân tộc thiểu số…, sẽ áp lãi suất bằng 50% đối với lãi suất cho vay của hộ nghèo. Lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Theo các quy định trước đây, lãi suất cho vay là 7,8%/năm và chỉ có cơ sở sản xuất dành cho người khuyết tật được hưởng 50% lãi suất thời kỳ đó.
Tăng nguồn tín dụng để giải quyết việc làm
Dân số Nghệ An là hơn 3 triệu người, đứng thứ 4 cả nước. Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng trên 2 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, số người đến tuổi lao động được giải quyết việc làm để ổn định cuộc sống lại chiếm số lượng khiêm tốn.
Chính vì vậy, giải quyết việc làm là vấn đề cấp thiết, nhận được sự quan tâm của Trung ương nói chung và các ban, ngành tỉnh Nghệ An nói riêng trong suốt thời gian qua; đặc biệt là công tác tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho người khuyết tật, người kém may mắn trong xã hội. Nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã... cũng đang cần nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Cũng theo quy định tại Nghị định 61, các Ngân hàng Chính sách xã hội ở địa phương sẽ trực tiếp giải ngân nguồn vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng là đơn vị giải ngân cho người lao động vay vốn thuộc nguồn vốn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hội Người mù Việt Nam quản lý. Hồ sơ, thủ tục vay vốn sẽ do Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp ký thẩm định, phán quyết thay vì phải trình lên cấp tỉnh như trước đây.
Ông Trần Khắc Hùng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Nghệ An cho biết: So với các quy định trước kia, Nghị định 61 cùng với Thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã tiếp thêm nguồn tín dụng để giải quyết việc làm cho người lao động.
Đơn cử như trước đây, nếu người lao động chỉ được chấp thuận cho vay 20 triệu đồng/người và 500 triệu đồng/dự án thì nay con số đó đã tăng lên. Cụ thể, người lao động có nhu cầu giải quyết việc làm sẽ được hỗ trợ mức vay 50 triệu đồng và các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… sẽ được vay tối đa 1 tỉ đồng/dự án. Mức lãi suất cho vay cũng có nhiều ưu đãi hơn.
Với nguồn vốn cho vay, sẽ giải quyết được các vấn đề như: Mức vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; quyền phán quyết, chấp thuận hồ sơ vay vốn sẽ do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định; nhờ vậy góp phần hạn chế các thủ tục hành chính cho người dân, tiết kiệm thời gian.
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Nghệ An, đến ngày 7/12/2015, đơn vị đã chuẩn bị được gần 10 tỉ đồng vốn giải ngân. Dự kiến trong tháng 12, sẽ giải ngân toàn bộ số vốn này để thực hiện theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP. Trong khi đó, theo dự báo, bước sang năm 2016 sẽ có nhiều hồ sơ, dự án được người dân hoàn thiện để tiếp cận vốn vay nhằm tạo việc làm cho lao động. Tuy nhiên, với tỉnh Nghệ An thì nguồn vốn vay từ Nghị định 61 trong thời gian tiếp theo cũng chưa thể thống kê, đưa ra mức cụ thể.
Ngọc Thái