Kinh tế xã hội

Thận trọng trước 'ma trận' khuyến mãi dịp cuối năm

09:32, 07/12/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Giảm giá “sốc” gắn với chương trình khuyến mãi “khủng” từ 50% - 80%, thậm chí còn cao hơn nữa; mua sản phẩm được tặng thêm quà tặng hấp dẫn, “mua 1, tặng 1”… Đó là những hình thức khuyến mãi sản phẩm mà bất kỳ người tiêu dùng nào cũng có thể bắt gặp ở các siêu thị, cửa hàng tại TP Vinh và trung tâm các huyện trên địa bàn tỉnh vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng không thận trọng sẽ rất dễ rơi vào “ma trận” khuyến mãi của doanh nghiệp mà số tiền bỏ ra cho sản phẩm không đúng với giá trị thực của nó.

Đã thành thông lệ, bắt đầu từ thời điểm giữa tháng 11, đầu tháng 12, các siêu thị, cửa hàng lại đồng loạt “đại hạ giá” và khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp xả hàng sau một năm tung ra thị trường các loại sản phẩm của mình.

Nhiều siêu thị điện máy, thời trang… cũng tung ra các gói giảm giá “sốc” hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng như “Tri ân khách hàng”, “Giá rẻ cho mọi nhà” và nhiều dịch vụ ưu đãi kèm theo nhằm kích cầu tiêu dùng.

Mặt khác, để đánh vào tâm lý của người tiêu dùng thường đổ xô đi mua sắm vào dịp cuối năm, các hãng bán buôn, bán lẻ cũng tích cực dán nhãn mác giảm giá đến 80% cho một số loại sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khách hàng rất dễ “mắc bẫy” các chương trình khuyến mãi, giảm giá này.

Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá khiến người tiêu dùng băn khoăn trong việc lựa chọn sản phẩm
Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá khiến người tiêu dùng băn khoăn trong việc lựa chọn sản phẩm

Chị Đặng Thị Tuyết, một người dân ở phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, cho biết: “Đầu tháng 12, tôi vào một siêu thị trên đường Trần Phú, dự định mua chiếc lò vi sóng vì ở đây họ khuyến mãi 40%. Nếu chưa áp dụng chương trình khuyến mãi, lò vi sóng tôi mua có giá khoảng 2.200.000 đồng. Tuy nhiên, khi được giảm giá, tôi chỉ mua với số tiền gần 1.000.000 đồng. Thế nhưng, khi tham khảo giá bên ngoài thì giá thực của nó cũng chỉ gần 2 triệu đồng”.

Khi tiến hành khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn TP Vinh trong thời gian qua, hầu hết người tiêu dùng cũng gặp cảnh tương tự. Điều khiến khách hàng bức xúc là khi tiền đã trao cho cửa hàng, họ muốn đổi, trả sản phẩm cũng gặp nhiều rắc rối. Hoặc khi khách hàng muốn trả một sản phẩm nào đó thì chủ cửa hàng, siêu thị yêu cầu người mua phải bù giá, thậm chí một số doanh nghiệp không chấp nhận giao dịch ngược trở lại.

Nhiều người khi đã lỡ mua hàng “đại hạ giá” đều tỏ ra bức xúc khi doanh nghiệp giăng “bẫy” vào dịp cuối năm như vậy. Thậm chí, nhiều cửa hàng bán buôn còn đưa ra các thang số giảm giá ảo khiến người tiêu dùng chẳng biết đường nào mà lần.

“Cuối tháng 11, tôi đến một cửa hàng thời trang trên đường Lê Hồng Phong để mua một chiếc áo ấm thì được niêm yết giá 450.000 đồng. 3 ngày sau, khi dẫn bạn quay lại cửa hàng này để mua một chiếc áo ấm như vậy vì nghe bảo giảm giá 30%. Tuy nhiên, chủ cửa hàng đã nâng giá lên 600.000 đồng. Với mức khuyến mãi như vậy thì giá cả khi mua về cũng chẳng được giảm chút nào cả”, chị Phương, nhân viên kế toán một công ty xây dựng trên địa bàn TP Vinh chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực chất của những chiêu trò khuyến mãi cuối năm hiện nay chẳng mang lại lợi ích cho khách hàng là bao. Sở dĩ nói như vậy là vì hầu hết các doanh nghiệp đều đã tính toán lời lãi trước đó rồi mới đưa ra áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp giảm giá mà không có lãi thì sớm muộn họ cũng sẽ bị phá sản.

Chính vì vậy, trước khi áp dụng chương trình siêu khuyến mãi như đăng tin, treo biển quảng cáo…, rất nhiều chủ cửa hàng, siêu thị đã đưa ra mức giá ảo nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Đặc biệt, một số dòng sản phẩm gần hết hạn sử dụng cũng được đưa vào giảm giá hoặc tặng kèm với sản phẩm khác để thanh lý tồn kho. Chưa kể, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng có dịp “trà trộn” vào thời điểm cuối năm để trục lợi.

Chính vì vậy, lời khuyên mà các chuyên gia kinh tế đưa ra là người tiêu dùng hãy thận trọng khi có dự định đi mua sắm vào dịp cuối năm. Hãy là người tiêu dùng thông thái khi mua sắm giữa “ma trận” khuyến mãi, chiêu trò giảm giá vào dịp này, tránh gặp phải cảnh tiền đã bỏ ra nhưng sản phẩm thu về lại không tương xứng với giá trị thực của nó.

Cũng theo khuyến cáo của những người có kinh nghiệm “săn” đồ giảm giá thì người tiêu dùng nên tỉnh táo khi quyết định mua một sản phẩm nào đó nằm trong chương trình khuyến mãi dịp này. Đó là việc nên so sánh giá cả tham khảo tại nhiều cửa hàng khác nhau trước khi đưa ra quyết định tiêu dùng của mình. Mặt khác, người dân nên tìm đến những siêu thị, cửa hàng có thương hiệu và niêm yết công khai giá cả bán hàng trên hệ thống.

Để chấn chỉnh tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, niêm yết giả cả chưa được chấp thuận của cơ quan chức năng, thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Trong vòng 5 năm trở lại đây (2011 - 2015), các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 13.697 vụ buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, gian lận thương mại…, thu phạt, nộp ngân sách gần 25,76 tỉ đồng.

Tuy nhiên, công tác giám sát các chương trình khuyến mãi được các doanh nghiệp áp dụng trong thời điểm hiện nay cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa, tránh tình trạng mất tiền thật, nhận được giá trị sản phẩm ảo. Và, để tránh rơi vào “bẫy” của hàng loạt các chương trình quảng cáo siêu khuyến mãi, giảm giá “sốc” của các doanh nghiệp, người tiêu dùng trước tiên phải thận trọng, tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm để đưa ra được quyết định sáng suốt.

Ngọc Thái

Các tin khác