Xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới: Những hạn chế cần khắc phục
Trong 5 năm qua, mặc dù đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, nhưng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, mà theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “cần phải thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục”.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trình bày tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM vừa diễn ra, bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được cũng đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế của Chương trình.
Trong đó hạn chế lớn nhất là chưa đạt được mục tiêu tới năm 2015 có 20% xã đạt tiêu chí NTM như Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã đề ra (hiện mới đạt 14,5%, theo dự báo đến hết năm nay sẽ là 16%).
Các nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương đã chú trọng thực hiện các nội dung xây dựng NTM do cấp xã đảm nhận, nhưng chưa chú trọng đúng mức thực hiện các nội dung ở cấp thôn và hộ gia đình.
Bên cạnh đó còn có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện xây dựng NTM giữa các vùng, miền: Trong khi số xã đạt tiêu chuẩn NTM ở Đông Nam Bộ là 34%, Đồng bằng sông Hồng là 23,5%, thì miền núi phía Bắc và Tây Nguyên mới chỉ đạt khoảng 7%.
Một số địa phương chạy theo thành tích nên có biểu hiện huy động quá sức dân, hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng trả, hoặc khi đánh giá chất lượng tiêu chí còn xuê xoa.
Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đều cho rằng, đây là những hạn chế rất lớn, phần nào làm giảm tính hiệu quả của Chương trình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị |
Các lãnh đạo và các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian tập trung mổ xẻ, phân tích nguyên nhân cả chủ quan và khách quan của những hạn chế, yếu kém nêu trên, trong đó nổi lên những nguyên nhân cơ bản như: Cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, xuất phát điểm của đa số các xã còn thấp; Chương trình triển khai vào thời kỳ suy thoái kinh tế nên việc huy động nguồn lực cho xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn; nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM còn hạn chế; sự lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền thiếu sâu sát, quyết liệt, một bộ phận lại quá nôn nóng, chạy theo thành tích; sự tham gia của một số tổ chức cơ sở Đảng và đoàn thể còn hạn chế; tiêu chí, cơ chế chính sách có một số điểm chưa phù hợp, vận dụng máy móc kém hiệu quả, thậm chí gây lãng phí nguồn lực; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chậm phát huy hiệu quả như mong đợi.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên đều được người đứng đầu Chính phủ đề cập, phân tích và chỉ đạo các biện pháp tập trung khắc phục theo quan điểm cần phải thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận.
Với tinh thần như vậy, ngay mở đầu phát biểu chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể, khi nói về hạn chế của cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, Thủ tướng đã yêu cầu tập trung ngay vào một nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt và quyết định, đó là cập nhật, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thực hiện mục tiêu Chương trình bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và đưa ra một ví dụ hết sức cụ thể, sinh động.
“Chúng ta thường nói, muốn xây dựng NTM thì phải đưa doanh nghiệp về sản xuất ở địa bàn nông thôn. Nói thì dễ như thế, nhưng mà muốn doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất ở nông thôn thì không dễ, phải cụ thể là cơ chế gì, chính sách gì”.
Hay nhắc lại một nguyên hạn chế là “một số địa phương chạy theo thành tích nên có biểu hiện huy động quá sức dân“, Thủ tướng đã yêu cầu phải nghiêm túc khắc phục: “Có việc làm còn dùng biện pháp hành chính để bắt buộc dân đóng góp quá mức; cần nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm và khắc phục”.
Những hạn chế trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền thiếu sâu sát, quyết liệt, một bộ phận lại quá nôn nóng, chạy theo thành tích... cũng đã được Thủ tướng quyết liệt chỉ đạo khắc phục khi nêu rõ yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị về xây dựng NTM, phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, bởi xây dựng NTM với 19 tiêu chí chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng đưa ra một ví dụ đã được thực tiễn chứng minh: “Thực tế cho thấy, nơi nào được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, có sát sao trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, có sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm… thì nơi đó Chương trình được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Chính vì vậy, việc đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Phải tập trung chỉ đạo một cách thiết thực, cụ thể, hiệu quả và đồng bộ để đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra”.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng đưa ra hàng hoạt yêu cầu, nhiệm vụ nhằm khắc phục những hạn chế của Chương trình trong giai đoạn mới như: Cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến thực hiện một số tiêu chí còn đạt ở mức thấp, trong đó có tiêu chí về huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; tiêu chí về phát triển lực lượng sản xuất ở địa bàn nông thôn gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động; các tiêu chí về thúc đẩy sản xuất, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường; tiêu chí về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; tiêu chí về xây dựng Đảng và chính quyền; tập trung khắc phục sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện xây dựng NTM giữa các vùng, miền...
Với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt với những giải pháp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và trên nền tảng những kết quả đã đạt được của Chương trình trong giai đoạn 2011-2015, chúng ta hoàn toàn tin tưởng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 sẽ đạt và vượt mục tiêu được đề ra là phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một huyện đạt chuẩn NTM và không còn xã dưới 5 tiêu chí – những con số mà theo cách nói của Thủ tướng là “rất cụ thể, thiết thực, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chúng ta, cả hệ thống chính trị của chúng ta phải nỗ lực, chung tay thực hiện”.
Nguồn: Chinhphu.vn