Xây dựng nông thôn mới

Nghệ An với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

07:49, 18/07/2014 (GMT+7)

Bài 2: Những khó khăn cần tháo gỡ

(Congannghean.vn)-Đến hết tháng 6/2014, toàn tỉnh Nghệ An đã có 7 xã đạt 19/19 tiêu chí, 4 xã đạt 18 tiêu chí, 3 xã đạt 17 tiêu chí, 15 xã đạt 16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Mặc dù triển khai trong điều kiện khó khăn, điểm xuất phát thấp, ngân sách đầu tư còn hạn chế, nhưng với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân, phong trào xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh đã đạt nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, để phong trào thực sự lan rộng, tạo bước đột phá mạnh mẽ thay đổi diện mạo của nông thôn rất cần sự quyết tâm, cố gắng nhiều hơn nữa.
 
Bài 3: Vì một diện mạo nông thôn văn minh, hiện đại
 
Những ngày này, về với huyện Nam Đàn, nơi vùng "đất thiêng", quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, cảm nhận lòng người luôn phấn khởi, hồ hởi. Là một trong 5 huyện trong cả nước được Ban Chỉ đạo trung ương chọn làm xây dựng điểm, huyện Nam Đàn gánh vác nhiệm vụ này vừa là trách nhiệm trước sự tin tưởng của các cấp ngành, vừa là vinh dự to lớn của địa phương, của tỉnh nhà trên chặng đường phát triển.
 
Trên con đường về xã Kim Liên, chúng tôi được nhìn, được nghe và được chiêm nghiệm những thành quả xây dựng NTM của các cấp, chính quyền và người dân địa phương. Niềm vui đong đầy được hiển hiện trong đôi mắt mọi người, từ lãnh đạo chính quyền địa phương đến mỗi người dân. Xã Kim Liên là một trong ba xã điểm của huyện trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Sau 3 năm triển khai chương trình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Liên đã tập trung phát huy cao nội lực và tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các nguồn lực từ bên ngoài, đến nay đã trở thành xã đầu tiên về đích trong xây dựng NTM của huyện Nam Đàn.
 
Với truyền thống cách mạng của quê hương, ý chí tự lực tự cường, ngoài sự đầu tư của trung ương, của tỉnh, phát huy mạnh mẽ nguồn lực nội sinh, xã đã đầu tư được trên 220 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, trong đó chính người dân đã đồng lòng, đóng góp được hơn 200 tỉ đồng đáp ứng đầy đủ theo các tiêu chí. Chị Nguyễn Thị Lâm, xóm Sen 2 chia sẻ: Nông thôn mới không chỉ mỗi Nhà nước đầu tư là đủ, còn phải có sự đóng góp của người dân. Vì thế, mọi chủ trương khi đến được với người dân, được đồng thuận thì hết thảy đều chung tay. Thành quả của NTM do chính người dân hưởng lợi nên việc tham gia các phong trào hay sự đóng góp về vật chất, gia đình không chút đắn đó, suy tính.
 
Phong trào làm giao thông nông thôn ở Quỳ Hợp góp phần tạo nên diện mạo mới nông thôn
Phong trào làm giao thông nông thôn ở Quỳ Hợp góp phần tạo nên diện mạo mới nông thôn
 
Đến thời điểm này, xã Kim Liên có thể tự tin khi đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia, đang trình Ban chỉ đạo huyện thẩm định để trình cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn NTM trong năm 2014. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hồng Sơn cho hay: Trên nền tảng của xã đạt chuẩn văn hóa đã giúp cho Kim Liên có được những bước đi thuận lợi khi có chủ trương xây dựng NTM. Thành công của Kim Liên hôm nay là niềm tự hào, là động lực lớn để Đảng bộ và nhân dân Nam Đàn tiếp tục vươn lên, tiếp tục nâng tầm trong những năm tiếp theo, nhằm xây dựng thành công huyện điểm NTM của cả nước, đáp ứng sự kỳ vọng của các cấp, các ngành. Đồng thời, đây cũng là nền móng để Kim Liên tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, xây dựng thành công Đề án “Xây dựng xã Kim Liên trở thành xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2014 - 2020", là mô hình cho cả huyện, tỉnh và cả nước học tập, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Là một trong những huyện miền núi được Bộ VH, TT&DL chọn làm xây dựng "Huyện điểm văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số" của cả nước, triển khai xây dựng NTM, huyện Quỳ Hợp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Với xuất phát điểm là huyện miền núi thuần nông, thu nhập thấp, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng xác định được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nên ngay từ khi bước vào triển khai, Đảng bộ, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhằm phát huy sức mạnh nội lực trong toàn Đảng, toàn dân, huy động tối đa mọi nguồn lực. Đồng thời, khơi dậy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi gia đình, người dân. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn dân đã đóng góp được gần 9 tỉ đồng để xây dựng 20 km đường giao thông nông thôn, trong đó nhân dân đóng góp gần 31.000 ngày công, gần 6.300 m3 cát, gần 12.000 m3 sỏi, hiến gần 8.400 m2 đất, hơn 3.000 m bờ rào, doanh nghiệp hỗ trợ 105 triệu đồng và ngân sách xã là 60 triệu đồng.
 
UBND huyện đã lên kế hoạch phân bổ cho 20 xã chuẩn bị triển khai tiếp 20 km đường giao thông nông thôn loại A theo cơ chế hỗ trợ xi-măng của tỉnh. Thực hiện các đề án phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, xây dựng và nhân rộng các mô hình như cánh đồng mẫu lớn tại Châu Quang, giống lúa mới tại xã Đồng Hợp, trồng cỏ chăn nuôi bò nhốt tại xã Minh Hợp, Văn Lợi, chăn nuôi dê tại xã Châu Thái, Châu Lý… đạt hiệu quả. Thực hiện 19 tiêu chí NTM, huyện đang phấn đấu đến 2015 mỗi xã đạt thêm từ 5 - 9 tiêu chí, các xã điểm sẽ đạt 19 tiêu chí theo lộ trình đã đề ra. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phan Đình Đạt cho biết: Thực hiện đề án "Xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi, dân tộc thiểu số Quỳ Hợp giai đoạn 2012 - 2015" gắn với Chương trình phát triển NTM, nhiều công trình hạ tầng thuộc thiết chế văn hóa đồng bộ được triển khai. Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã thực sự đi vào đời sống người dân như những viên gạch vững chắc kết thành sức mạnh cho huyện nhà phát triển đi lên trở thành điểm sáng nông thôn ở khu vực phía Tây Bắc của tỉnh.
 
Theo ông Vi Lưu Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh: Xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội; đồng thời xem đây là việc làm thường xuyên, mang tính lâu dài chứ không phải phong trào, hay thời sự trong một giai đoạn nhất định. Để thực hiện tốt các nội dung và tiêu chí trong xây dựng NTM, hệ thống chính trị cơ sở, nhất là người đứng đầu trong các tổ chức cần phải tự rèn luyện nâng cao nhận thức, năng lực của mình, mỗi cán bộ, đảng viên trên cơ sở công việc được giao phải hiểu rõ vai trò, vị trí của mình để chủ động lựa chọn, tổ chức thực hiện việc làm cụ thể, tích cực theo từng lĩnh vực để đạt mục tiêu cao nhất.
 
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý gắn với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Xây dựng NTM là thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho người nông dân, đưa nông thôn nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng tiến lên văn minh và hiện đại.

 

Xuân Thống

Các tin khác