Xây dựng nông thôn mới

Nghệ An với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

08:03, 16/07/2014 (GMT+7)

Bài 1: Thành công từ những "xã điểm"

(Congannghean.vn)-Đến hết tháng 6/2014, toàn tỉnh Nghệ An đã có 7 xã đạt 19/19 tiêu chí, 4 xã đạt 18 tiêu chí, 3 xã đạt 17 tiêu chí, 15 xã đạt 16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Mặc dù triển khai trong điều kiện khó khăn, điểm xuất phát thấp, ngân sách đầu tư còn hạn chế, nhưng với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân, phong trào xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh đã đạt nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, để phong trào thực sự lan rộng, tạo bước đột phá mạnh mẽ thay đổi diện mạo của nông thôn rất cần sự quyết tâm, cố gắng nhiều hơn nữa.
 
Bài 2: Những khó khăn cần tháo gỡ
 
Thành công bước đầu mà Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đem lại là một kết quả to lớn, đáp ứng sự mong đợi của các cấp, ngành và mỗi người dân. Thế nhưng, qua đánh giá chặng đường mà lộ trình đề ra để thực hiện, nhìn chung tiến độ còn chưa đạt so với yêu cầu. Trong sự bất cập đó, ngoài những vướng mắc trong chỉ đạo, điều hành, sự lúng túng trong lựa chọn cách làm của mỗi địa phương thì những khó khăn về cơ chế, chính sách cũng như sự huy động nội lực của các địa phương và người dân chưa được phát huy một cách cao độ, mạnh mẽ đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chung.
 
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình NTM, với điều kiện của từng địa phương, trên địa bàn toàn Nghệ An bên cạnh một số tiêu chí có tỉ lệ xã đạt chuẩn cao như: Quy hoạch chung, bưu điện, điện lưới, trường học, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng...; một số tiêu chí tỉ lệ đạt chuẩn rất thấp và gần như khó đạt được như: Giao thông, thu nhập, tỉ lệ hộ nghèo, tỉ lệ lao động, hình thức sản xuất. Trong khi đó, mục tiêu của tỉnh đến năm 2015 có 20% số xã, tương đương 87 xã đạt tiêu chuẩn NTM; đến năm 2020 có 50% số xã, tương đương 218 xã đạt tiêu chuẩn NTM. Vì thế chặng đường phía trước để hoàn thiện các tiêu chí xem ra là bài toán khó gỡ.
 
Đời sống kinh tế của đồng bào miền núi còn khó khăn ảnh hưởng lớn đến việc huy động sức dân để đóng góp xây dựng NTM
Đời sống kinh tế của đồng bào miền núi còn khó khăn ảnh hưởng lớn đến việc huy động sức dân để đóng góp xây dựng nông thôn mới
 
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Quế Sơn (Quế Phong), mặc dù là địa phương được chọn làm xã điểm trong lộ trình xây dựng NTM của huyện, song sau gần 3 năm triển khai, cấp ủy, chính quyền và ban quản lý xã đã nỗ lực huy động sức dân, mọi nguồn lực, kinh phí hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí đường giao thông nhưng xem ra vẫn khó thực hiện. Bởi thực tế, với một xã mới được chia tách (năm 2005), trong khi đó dân cư phân bố không đồng đều, các bản thuộc đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở xa, đường sá đi lại khó khăn, nhiều núi cao, dốc, lại phân tán, cùng với những phong tục, tập quán riêng nên để hoàn thành tiêu chí là rất khó đối với địa phương. Đồng quan điểm này, Chủ tịch UBND xã Keng Đu (Kỳ Sơn) Lương Văn Ngam lo ngại: Với một xã đặc thù xa trung tâm huyện gần 75 km, đường sá đi từ các xã để vào được trung tâm còn là một khó khăn, huống gì là để hoàn thành tiêu chí bê tông hóa các đường từ bản này đến bản khác. Nguồn thu xã không có, phần lớn đang trông chờ vào ngân sách cấp trên, vì thế tiêu chí giao thông nông thôn, điện lưới của xã chỉ còn phụ thuộc vào Nhà nước hỗ trợ chứ để huy động vào sức dân là điều không thể, bởi người dân đang rất thiếu thốn, khó khăn đủ bề.
 
Thực tế cho thấy, trong số 21 huyện, thành, thị, Nghệ An có trên 10 huyện miền núi, 3 huyện thuộc huyện nghèo của cả nước, nơi tập trung các xã miền núi, rẻo cao với địa hình hết sức phức tạp, phần lớn là vùng đồi núi có độ dốc lớn, bị chia cắt bởi hệ thống khe suối. Trong khi đó, dân cư sinh sống phân tán, không tập trung, đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển. Đây chính là những trở ngại lớn trên lộ trình xây dựng NTM trong tỉnh cũng như các huyện.
 
Tiêu chí môi trường cũng đang là “nút thắt" xem ra không dễ "gỡ” đối với không chỉ các xã miền núi, vùng cao mà kể cả các xã đồng bằng và các xã ngoại thành của TP Vinh. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc (TP Vinh): Dù địa phương không phải là xã điểm trong lộ trình thực hiện nhưng đến nay xã đạt trên 2/3 tiêu chí, cụ thể là đạt 16/19 tiêu chí NTM. Với 2 tiêu chí còn lại gồm: Thủy lợi và môi trường thực sự là những trở ngại của địa phương. Tuy nhiên, xã xác định được, với tiêu chí số 3 thủy lợi sẽ đặt quyết tâm hoàn thành trong năm nay. Riêng với tiêu chí số 17 về môi trường sẽ rất khó thực hiện, vì vấn đề môi trường, nhất là ở các cụm công nghiệp, rác thải đối với Hưng Lộc đang là bài toán khó.
 
Theo đánh giá của Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh: Không chỉ một số tiêu chí khó đạt trong chặng đường thực hiện NTM mà ở các địa phương, việc cấp ủy, chính quyền còn lúng túng trong việc chọn khâu để đột phá hay huy động nguồn đóng góp từ sức dân còn có những khó khăn nhất định. Đó là chưa nói đến các tiêu chí về thu nhập, giải quyết việc làm và cơ cấu lao động đang là một thách thức của cả tỉnh cũng như các địa phương. Với những khó khăn chồng chất, nhiều địa phương xác định chặng đường  xây dựng NTM sẽ không thể chạm được đích đến. Thời gian tới, để đạt được những tiêu chí trong năm 2014 và những giai đoạn tiếp theo, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chú trọng nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, nhất là ở các xã vùng núi, vùng cao và huy động nguồn lực gắn với những giải pháp thiết thực để tiếp tục xây dựng các tiêu chí còn lại một cách bền vững trên cơ sở tuyên truyền cho nhân dân hiểu và thực hiện phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”…
 
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 28 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại 6 tháng đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc khẳng định: Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện NTM nhưng tỉnh đang gặp những khó khăn nhất định. Vì vậy, đề nghị các cấp cần vận dụng có hiệu quả cơ chế, chính sách của Trung ương để xây dựng các chương trình, dự án liên quan đến NTM. Cùng với đó, cần đẩy mạnh huy động nguồn vốn và đóng góp của người dân để triển khai, nhân rộng những kết quả chương trình xây dựng NTM. Để đạt được yêu cầu này, các địa phương phải có giải pháp cụ thể, giao trách nhiệm cho lãnh đạo các huyện, ban, ngành của tỉnh và thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn để đạt những mục tiêu đề ra.

 

Xuân Thống

Các tin khác