Xây dựng nông thôn mới
Dồn điền đổi thửa - nền tảng vững chắc để xây dựng NTM
(Congannghean.vn)-“Dồn điền, đổi thửa”, khuyến khích tích tụ ruộng đất không phải là một trong nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, muốn nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân thì không thể không mở rộng, phát triển sản xuất trên quy mô lớn.
Đây là nền tảng quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai.
Kì 1: Từ chủ trương lớn
Nghệ An có diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 196.000 ha, bình quân 670 m2/người. Trước khi có Chỉ thị 02 (sau này là Chỉ thị 08), đất sản xuất được phân chia phân tán, manh mún; hệ thống giao thông nội đồng bộc lộ nhiều bất cập, việc vận chuyển, tưới tiêu còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do ý thức tổ chức của một bộ phận nông dân còn kém, theo kiểu ruộng nhà nào nhà đó làm nên từ khâu chọn giống đến thu hoạch, vẫn còn tồn tại tình trạng trên một cánh đồng, có sự khác biệt về thời gian mùa vụ, gieo trồng nhiều giống khác nhau, nhà được nhà mất. Vì vậy, hiệu quả lao động, năng suất không cao, không đồng đều...
Huyện Nam Đàn có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp 13.777 ha, tổng số hộ được giao đất sản xuất là 31.980 hộ (bình quân mỗi hộ có 9 thửa đất). Năm 2002, thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 02, tổng thửa đất giao cho các hộ còn 177.302 thửa, giảm 103.543 thửa (trung bình mỗi hộ còn 6 thửa). Ruộng đất vẫn còn trong tình trạng manh mún, nằm ở nhiều vùng khác nhau, diện tích thửa nhỏ hơn 500 m2 còn nhiều, ảnh hưởng đến thâm canh sản xuất, đưa cơ giới hoá vào nông nghiệp. Những hạn chế trên của Nam Đàn cũng là khó khăn chung của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, gây cản trở trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ảnh hưởng lớn đến đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Thực hiện dồn điền đổi thửa giúp nông dân gắn bó hơn với ruộng đồng |
Trước tình hình đó, ngày 5/4/2001, BTV Tỉnh ủy Nghệ An ra Chỉ thị 02 về thực hiện công tác chuyển đổi ruộng đất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến việc xây dựng nông thôn mới. Vì thế, ngày 8/5/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 08 về đẩy mạnh vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến khối, xóm đã triển khai vận động nông dân đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 08.
Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập tổ công tác và các nhóm giúp việc trực tiếp xuống các huyện, thành phố, các xã kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa; đồng thời, ban hành hướng dẫn và biểu mẫu hướng dẫn công tác này. Tổ chức các cuộc tập huấn cho cán bộ cấp huyện, xã, thôn để tuyên truyền, hướng dẫn chuyên môn về dồn điền đổi thửa; đồng thời tổng hợp các xã đăng ký thực hiện để báo cáo UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ thực hiện.
Qua công tác điều tra rà soát, toàn tỉnh có 316 xã/20 đơn vị cấp huyện có khả năng thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Tính đến nay, có 266 xã/15 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, đổi thửa tại thực địa; 52 xã/11 đơn vị cấp huyện đang thực hiện. Theo đó, đã có 9 đơn vị cấp huyện với 176 xã đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa tại thực địa cho 100% số xã như các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, TP Vinh…
Theo ông Hoàng Ngọc Đăng, Phó Trưởng phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An: “Đạt được kết quả trên trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo từ tỉnh đến các địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền đã quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện để từ đó giúp cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về chủ trương chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn; nhân dân nhận thức đúng tình hình, thực trạng, những yêu cầu bức xúc phải thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp”.
Theo đó, các địa phương đã xây dựng đề án, phương án kế hoạch và bước đi cụ thể; thực hiện công khai, dân chủ trong xây dựng kế hoạch để nhân dân bàn bạc, thống nhất và tự giác thực hiện. Từ đó, thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, dân chủ bàn bạc, tự nguyện, bình đẳng, phù hợp với lợi ích chung.
(Còn nữa)
Mai Hậu