(Congannghean.vn)-Theo quy định, Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là 3 chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi tại hầu hết các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, 3 chất này cũng chính thức bị cấm từ năm 2002 đến nay. Thế nhưng, trên thực tế, vì lợi nhuận, một số đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) vẫn phối trộn các chất Clenbuterol và Salbutamol vào thức ăn chăn nuôi, sau đó tung ra thị trường. Nghệ An cũng là một trong số các địa phương phát hiện chất cấm được sử dụng trong chăn nuôi.
Hiểm họa từ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Trong những năm gần đây, trên cả nước, việc sử dụng chất cấm, chất kích thích, kháng sinh trong chăn nuôi diễn biến khá phức tạp. Kết quả kiểm soát chất cấm trong TACN tại 6 tỉnh, thành trọng điểm trong năm 2014 gồm: Đồng Nai, TP Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh, đã phát hiện 13/250 mẫu dương tính với chất Salbutamol, chiếm 5,2%. Từ đầu năm 2015 đến nay, qua kiểm tra tại các địa phương, có tới 106/587 mẫu nước tiểu lợn tại các cơ sở giết mổ dương tính với Salbutamol, chiếm 18,1%.
Cơ sở chăn nuôi trộn chất vàng ô gây ung thư vào thức ăn bị bắt quả tang |
Trên địa bàn Nghệ An hiện có 3 nhà máy và trên 70 hãng sản xuất cung ứng TACN công nghiệp và hàng trăm loại sản phẩm TACN. Qua điều tra, có 100% trang trại, gia trại và trên 60% trong tổng số hộ chăn nuôi có sử dụng thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, có một số gia trại, nông hộ sử dụng chất bổ sung, thuốc thú y.
Trong 4 năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế tại các địa phương. Riêng từ đầu năm 2015, Sở đã tiến hành kiểm tra các cơ sở TACN, lò giết mổ gia súc, gia cầm, các đơn vị cung ứng TACN trên thị trường và lấy mẫu thức ăn, mẫu nước tiểu, gan, thận của vật nuôi để gửi đi phân tích hàm lượng chất cấm. Trong đợt 1, tiến hành lấy 40 mẫu gửi đi phân tích thì kết quả có 1 mẫu dương tính với chất cấm tạo nạc Salbutamol.
Ông Lưu Công Hòa, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, kết quả phân tích gửi về cho thấy 1/2 mẫu lấy tại nhà bà Phạm Thị Huệ, một đại lý kinh doanh TACN kết hợp chăn nuôi lợn tại xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) dương tính với chất Salbutamol.
Đại lý của bà Huệ là đại lý TACN của một công ty khác, còn sản phẩm dương tính với chất tạo nạc Salbutamol là của Công ty cổ phần và đầu tư phát triển Tiền Phong (văn phòng đóng tại 144, Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội; cơ sở sản xuất tại xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
Cần siết chặt quản lý
Được biết, chất tạo nạc Salbutamol và Clenbuterol được trộn cùng cám làm thức ăn cho lợn và gà. Các chất này có tác dụng làm lợn tăng trọng nhanh, tiêu biến mỡ và tăng tỉ lệ thịt nạc. Người tiêu dùng ăn phải loại thịt có chứa chất này về lâu dài có thể sẽ mắc các bệnh, triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe như tăng huyết áp, tim đập nhanh, buồn nôn, tác dụng xấu với phụ nữ mang thai, đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại tình trạng sử dụng các loại kháng sinh như Sulfadimidine, Florfenicol... trong TACN gia súc, gia cầm vượt ngưỡng cho phép, giúp kích thích tăng trọng cho gia súc, hỗ trợ tiêu hóa và phòng bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng các kháng sinh này lại làm tăng nguy cơ lây lan, bùng nổ dịch bệnh cho đàn gia súc. Đồng thời, tồn dư kháng sinh sẽ ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng, dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc kháng sinh, về lâu dài là tình trạng kháng thuốc.
Ông Lưu Công Hòa cho biết thêm, những tháng cận kề Tết là thời điểm thị trường tiêu thụ các sản phẩm gia súc, gia cầm tăng cao. Lợi dụng điều này, các trang trại, gia trại chăn nuôi có thể sử dụng các thức ăn có chất cấm để kích thích tăng trưởng ở vật nuôi.
Trước tình hình trên, theo kế hoạch của Bộ NN&PTNN, Sở NN&PTNN Nghệ An đã phát động đợt cao điểm thanh, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đối tượng kiểm tra là các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh TACN; các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gà; cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.