(Congannghean.vn)-Phát triển hệ thống vận tải biển không chỉ là giải pháp góp phần giảm tải cho vận tải đường bộ mà còn là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, tăng tỉ trọng công nghiệp cho địa phương, tạo động lực để xây dựng Nghệ An sớm trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 như tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, ngoài Cảng Cửa Lò hoạt động có hiệu quả thì đa phần các dự án liên quan đến hệ thống cảng biển vẫn đang triển khai rất chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và sự kỳ vọng của người dân.
Trong thời gian qua, với nhiều hoạt động, cải tiến, Cảng Cửa Lò đã khẳng định được sức hút với các khách hàng, nâng cao chất lượng sản xuất, vận chuyển và bốc xếp. Để tạo động lực phát triển cho Nghệ An cũng như các vùng lân cận, Chính phủ đã quy hoạch Cảng Cửa Lò trở thành cảng đầu mối quốc gia loại 1.
Đẩy mạnh khai thác vận tải biển góp phần nâng cao hiệu quả xuất khẩu, giảm tải cho vận tải đường bộ |
Ông Bùi Kiều Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh cho biết, trong thời gian qua, Công ty đã phối hợp với các đơn vị tiến hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác Cảng Cửa Lò. Ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ nâng cấp luồng đưa độ sâu từ - 5,5 m xuống - 7,2 m, chiều rộng luồng từ 80 - 100 m, Cảng Nghệ Tĩnh đã đầu tư nạo vét vùng nước trước bến và đệm va tàu, bãi chứa hàng cho container với tổng mức đầu tư gần 14 tỉ đồng. Hiện nay, Công ty CP Tuấn Lộc - nhà đầu tư chiến lược của Cảng cũng đã tích cực thúc đẩy dự án Cảng số 5 và số 6. Nhờ đó, sản lượng tàu khai thác không ngừng tăng lên.
Trước đây, vào năm 2009, Cảng Nghệ Tĩnh chỉ mới tiến hành khai thác chuyến container đầu tiên với 1 chuyến tàu nội địa/tháng đi theo tuyến Cửa Lò - Sài Gòn - Hải Phòng thì nay chỉ trong 2 ngày, đã có tới 6 chuyến tàu đi theo các tuyến Cửa Lò - Sài Gòn - Hải Phòng; Cửa Lò - Đà Nẵng - Sài Gòn và Cửa Lò - Đà Nẵng, trung bình trong thời gian qua, cứ 2 ngày thì có 1 chuyến tàu nội địa. Trong năm 2015, Cảng Nghệ Tĩnh cũng đã đón 185 khách hàng vào vận chuyển, khai thác, trong đó có nhiều chuyến tàu lớn, như chuyến tàu của Thanh Thành Đạt có trọng tải lên tới 22.000 DWT, cập bến vào ngày 5/7/2015. Trước đây, đa phần các tàu vào cảng đều có trọng tải nhỏ nên năng suất khai thác thấp thì nay thường xuyên có tàu lớn từ 10.000 DWT - 15.000 DWT cập bến.
Trong quy hoạch xây dựng, hệ thống Cảng nước sâu Nghi Thiết (Nghi Lộc) cũng từng được kỳ vọng tạo ra cơ sở, nền tảng cho bước đột phá về kinh tế của tỉnh nhà. Theo như quy hoạch ban đầu, dự án có tổng diện tích 770 ha, trong đó có khoảng 110 ha trên cạn và 660 ha dưới nước. Với chiều dài bến 3.020 m và khu vực hậu cần cảng có diện tích 110 ha, Cảng nước sâu Nghi Thiết sẽ có khả năng tiếp nhận các loại tàu có trọng tải từ 30.000 - 50.000 DWT. Dự án là công trình trọng điểm của tỉnh Nghệ An, có sự kết hợp với phía Nhật Bản về thiết kế, xây dựng theo công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất thế giới, đã được rất nhiều nước trên thế giới đầu tư xây dựng thành công.
Khai thác, vận chuyển hàng hóa tại Cảng Cửa Lò |
Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau 5 năm kể từ ngày khởi công, dự án vẫn “án binh bất động”. Hiện, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đang phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đốc thúc phía chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ và báo cáo UBND tỉnh. Nếu đi vào hoạt động, dự án Cảng nước sâu Nghi Thiết không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra “cú hích” đối với sự phát triển của tỉnh Nghệ An nói riêng, các tỉnh Bắc Trung Bộ nói chung mà còn thúc đẩy giao lưu kinh tế với các vùng Đông Bắc Thái Lan và khu vực Trung Lào.
Cũng nằm trong chiến lược phát triển hệ thống cảng biển ở Nghệ An, tại TX Hoàng Mai cũng đang triển khai dự án Cảng biển Đông Hồi. Theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng Đông Hồi thuộc quy hoạch nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ, là cảng biển chuyên dùng than điện, vật liệu xây dựng. Quy hoạch chi tiết xây dựng Cảng Đông Hồi đã được Bộ GTVT phê duyệt với tổng số 19 bến đáp ứng cho cỡ tàu đến 50.000 DWT. Trong đó có quy hoạch dành riêng cho 4 bến cho nhà máy nhiệt điện với cỡ tàu từ 10.000 - 20.000 DWT.
Hiện nay, để phục vụ cho Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương với đề nghị của Tập đoàn TKV và Cục Hàng hải Việt Nam về điều chỉnh quy mô cỡ tàu cập cảng nhập than từ 10.000 DWT lên 50.000 DWT nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế của Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập. Quy mô Dự án đê chắn sóng và luồng tàu Cảng Đông Hồi đã được phê duyệt với đê chắn sóng dài 1.600 m; luồng tàu dài khoảng 10.000 m, độ sâu vét -12 m, bề rộng luồng 140 m; với tổng mức đầu tư khoảng 2.072 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, dù đã được Bộ GTVT cho ý kiến thiết kế cơ sở nhưng do chưa có nguồn vốn nên dự án chưa được phê duyệt. UBND tỉnh Nghệ An đã có tờ trình trình Chính phủ xin thẩm định vốn cho dự án.
Một chủ trương đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận là việc xã hội hóa cảng biển và hàng không. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chủ trương này được thực hiện sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ và thúc đẩy phát triển kinh tế. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao phúc lợi xã hội của người dân, sử dụng nguồn vốn huy động được để xây dựng hạ tầng khác, đồng thời thiết lập một thị trường cạnh tranh về cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng, qua đó thúc đẩy các ngành nghề kinh tế phát triển.
Trước đây, thu hút đầu tư vào cảng biển theo hình thức xã hội hóa ở những tỉnh nghèo miền Trung đang khiến nhiều doanh nghiệp do dự, bởi đầu tư một bến cảng biển với nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Trong lúc đó, lượng hàng hóa thu hút đến cảng không nhiều nên không biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn. Tuy nhiên, hiện nay, đã có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp xin được tiếp tục xã hội hóa đầu tư bến số 3, 4, 5, 6… theo đúng quy hoạch của ngành. Trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An vào tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã lưu ý, hiện nay, rất nhiều địa phương đang phát huy xã hội hóa xây dựng cảng biển rất tốt, tỉnh cần học hỏi, vận dụng để phát huy hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Nghệ An, chủ trương của tỉnh là tiếp tục thu hút nhà đầu tư nâng cấp phương tiện xếp dỡ hàng hóa, kho bãi tại cảng. Đồng thời, tiến hành nạo vét chỉnh sửa các luồng vào cảng để tàu vận tải hàng hóa lớn, nhất là tàu nước ngoài vào cảng thuận lợi. Có thể thấy, Nghệ An có điều kiện để phát triển vận tải biển, tuy nhiên, hiện nay, nhìn chung, nhiều dự án vẫn đang chậm tiến độ. Vì thế, các cấp, ban, ngành cần có giải pháp tích cực để sớm khai thác, phát huy lợi thế này, góp phần nâng cao hiệu quả vận tải biển, giảm gánh nặng cho vận tải đường bộ.