Kinh tế xã hội
Kỳ vọng vào những dự án thu hút đầu tư
(Congannghean.vn)-Với sự đổi mới toàn diện về chính sách thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, thời gian qua, Nghệ An đã có những bước đột phá trên lĩnh vực này. Tỉnh ta đang thu hút được nhiều dự án trọng điểm, hứa hẹn một sự phát triển vượt bậc trong tương lai không xa để Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Theo đó, sẽ mở ra cho Nghệ An nhiều hướng phát triển mới, phấn đấu trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc trong năm 2015, từ đó tạo tiền đề, cơ cở để đến năm 2020, Nghệ An cơ bản sẽ trở thành một tỉnh công nghiệp. Mặt khác, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị cũng xác định sẽ xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm tài chính, du lịch, thương mại, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao của cả vùng Bắc Trung Bộ.
Dự án VSIP được khởi công với kỳ vọng sẽ là điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An thời gian tới - Ảnh: Đình Hưng |
Có thể nói, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An đã mở ra nhiều triển vọng cho tỉnh nhà, thúc đẩy sự phát triển trên các bình diện kinh tế, xã hội, văn hóa… Đây cũng là định hướng của Bộ Chính trị để Nghệ An có cơ hội phát triển, hội nhập trong tương lai, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 11 - 12%; GDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt khoảng 2.800 - 3.500 USD/người/năm. Nghị quyết số 26 cũng đề ra các nhiệm vụ mà Nghệ An phải thực hiện như: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước; chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn và với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực...
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách chính sách thu hút đầu tư, quan tâm, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tỉnh ta cũng có nhiều lợi thế, tiềm năng để thu hút các doanh nghiệp. Điểm qua các dự án trọng điểm đã và đang được xây dựng trên địa bàn, có thể thấy, chính sách thu hút đầu tư của Nghệ An đã mang lại kết quả khởi sắc, nhất là giai đoạn từ năm 2011 đến nay. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cảng biển, cảng hàng không… được đầu tư nâng cấp với quy mô xứng tầm khu vực.
Khởi công Dự án nhà máy sản xuất Tôn Hoa Sen tại KCN Nam Cấm với số vốn đầu tư trên 2.300 tỉ đồng vào ngày 4/10/2014 |
Đặc biệt là việc mở rộng Khu kinh tế Đông Nam bao gồm cả phần diện tích các khu công nghiệp (KCN) như: Hoàng Mai, Nam Cấm, Đông Hồi và toàn bộ diện tích 750 ha Dự án KCN, đô thị và dịch vụ VSIP vừa khởi công vào ngày 16/9 vừa qua. Bên cạnh đó, việc triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng 32 cụm công nghiệp vệ tinh với tổng diện tích gần 500 ha tại các huyện, thành, thị trên địa bàn toàn tỉnh đã mở ra cho Nghệ An nhiều triển vọng phát triển công nghiệp trong thời gian tới. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 533 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 136.989,5 tỉ đồng; trong đó có 26 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn 256 tỉ đồng.
Nhìn vào các dự án được cấp phép đầu tư, có thể thấy, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang quan tâm tới việc đầu tư vào Nghệ An. Nhiều dự án có số vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng với quy mô, diện tích hàng trăm ha hứa hẹn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Điển hình như Dự án KCN, đô thị và dịch vụ VSIP tại địa bàn các xã Hưng Chính (TP Vinh), Hưng Tây, Hưng Đạo, thị trấn Hưng Nguyên (Hưng Nguyên) với tổng diện tích là 750 ha, tổng số vốn đầu tư 1.657 tỉ đồng; dự kiến sẽ thu hút khoảng 150 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Trước đó, các dự án như chăn nuôi bò sữa và nhà máy chế biến sữa công nghệ cao, Trung tâm thương mại Nguyễn Kim, Nhà máy Tôn Hoa Sen, Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I tại KCN Đông Hồi với công suất 1.200 MW, Nhà máy xi măng Sông Lam… đã và đang được triển khai trên địa bàn với số vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng. Theo đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng trưởng toàn tỉnh đạt 6,51%, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 29 triệu đồng/người (tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010), thu ngân sách cả năm đạt khoảng 10.034 tỉ đồng. Cùng với đó, Nghệ An cũng đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh (chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của Nghệ An đã tăng 18 bậc, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành).
Trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây, ông Võ Văn Hải, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết: Cùng với VSIP Nghệ An, nhiều dự án đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư theo quy định như thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm đầu, thuế thuê đất… Ngoài ra, về công tác GPMB, việc tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư cũng được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Với những chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ vào địa bàn trong thời gian qua, các dự án đã và đang được triển khai đã mở ra cho tỉnh ta nhiều tín hiệu khả quan, tạo đà tăng trưởng bền vững.
Mới đây, vào ngày 16/9, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao những kết quả mà địa phương đã đạt được sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Nghệ An cần sớm khắc phục những tồn tại, thiếu sót để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2015, tạo tiền đề cho kế hoạch 5 năm tiếp theo nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương.
Ngọc Thái