Kinh tế xã hội

Hướng đi cho ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản

08:32, 25/09/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực trong hỗ trợ các hộ nông dân, ngư dân phát triển sản xuất, từ đó góp phần đem lại nguồn nông, lâm, thuỷ sản mạnh về số lượng và cải thiện về chất lượng. Do đó, việc phát triển công nghiệp chế biến là yêu cầu cấp thiết để nâng cao giá trị gia tăng, giải quyết thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời còn là chủ trương lớn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng mang tính cạnh tranh cao, phù hợp với thị trường tiêu thụ cũng như tạo nguồn nguyên liệu ổn định.

Qua khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, phần lớn các cơ sở chế biến nông sản còn ở dạng “thô”, mang tính thủ công. Các sản phẩm chế biến đa số có giá trị kinh tế thấp, chưa tạo được thương hiệu riêng, dẫn đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa này trên thị trường chưa cao. Theo báo cáo của ngành chức năng, trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2010 thì lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản chiếm 55,5%, năm 2014 đã tăng lên 61,5%. Tuy nhiên, theo đánh giá, hàng hóa xuất khẩu được sản xuất còn khiêm tốn, chỉ đạt xấp xỉ ngưỡng 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên toàn tỉnh.

Ngư dân huyện Quỳnh Lưu chuẩn bị phương tiện  đánh bắt thủy, hải sản
Ngư dân huyện Quỳnh Lưu chuẩn bị phương tiện đánh bắt thủy, hải sản

Số liệu từ ngành Công thương, 5 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 122,6 triệu USD, trong đó, nông sản đạt gần 53 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ (năm 2014 đạt trên 56 triệu USD). Trong các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản thì công nghiệp chế biến có bước tăng trưởng cao. Còn xuất khẩu hàng nông sản hiện nay đang gặp trở ngại do “bài toán” có sản phẩm, vùng nguyên liệu dồi dào nhưng khó trong công tác chế biến và đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó, các sản phẩm có thị trường thì nguồn nguyên liệu không đáp ứng, quy mô hàng hóa nhỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún trong khi công nghệ chế biến chưa đáp ứng yêu cầu cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản. Vì vậy, đòi hỏi trong quá trình hội nhập cần tìm ra “bài toán” chiến lược cho tăng trưởng, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ cũng như phối hợp “3 nhà”: Nhà nông, Nhà nước và nhà doanh nghiệp, nhằm hướng đến lợi ích kinh tế chung.

Nghệ An đã ban hành Quyết định 3396 ngày 6/8/2015 về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng cạnh tranh và bền vững. Tỉnh cũng đã tập trung phát triển các cây trồng chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao như chè, cao su, rau, củ chất lượng cao, giảm diện tích một số cây trồng không còn hiệu quả. Đến nay, đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như chè, cao su, mía, lạc; một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng trồng rau, hoa, chăn nuôi bò sữa, chế biến dược liệu... sản xuất có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Theo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2020 vừa được ban hành, mục tiêu đạt giá trị sản xuất đạt 24.000 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 12,2% - 12,5%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 500 triệu USD, tăng bình quân 17,02%/năm. Tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho 40.000 lao động, góp phần giảm áp lực về mặt xã hội, thay đổi cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỉ lệ hộ nghèo. Phát triển trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và hình thức tổ chức hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu, uy tín và khả năng hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời, gắn sản xuất chế biến với vùng nguyên liệu để giảm chi phí vận chuyển, nâng cao giá trị sản phẩm đầu vào cho người trồng nguyên liệu, tạo sự gắn kết bền vững giữa người trồng nguyên liệu và cơ sở chế biến.

Xuân Thống

Các tin khác