(Congannghean.vn)-Phát triển nông nghiệp hiện đại dựa trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh gắn với cơ cấu chuyển đổi lao động trong nông nghiệp, quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới văn minh, nâng cao năng suất lao động, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Đây là mục tiêu, quan điểm về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp Nghệ An vừa được UBND tỉnh thông qua tại Quyết định 3396 ngày 6/8/2015.
Bài 2: Xây dựng nông thôn mới văn minh và quá trình đô thị hóa
Thực hiện Quyết định 899 ngày 10/6/2013 về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Nghệ An bắt tay vào triển khai nhằm tổ chức lại sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập của người nông dân, qua đó thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa thành thị với nông thôn. Đây cũng là một trong những tiêu chí trong chương trình quốc gia về nông thôn mới (NTM), do đó luôn được các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện.
Lãnh đạo tỉnh và Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình phát triển cây lúa ở huyện Yên Thành |
Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình NTM và chính sách “tam nông”, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, địa phương trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM, trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng NTM.
Phong trào xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành được đẩy mạnh đang trở thành phong trào lan rộng, có hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Hiện nay, có 71 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và đang phấn đấu đến hết năm 2015 có 114 xã về đích NTM, góp phần hoàn thành và vượt mục tiêu 20% số xã đạt chuẩn; các xã còn lại phấn đấu đạt ít nhất từ 1 - 2 tiêu chí. Đến nay, đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như: Vùng nguyên liệu chè, vùng mía nguyên liệu, vùng lạc xuất khẩu ở các huyện, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung hình thành được một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng rau, hoa, chăn nuôi trâu bò hàng hóa, các loại đặc sản như vịt bầu, gà ác, lợn đen... ở các huyện miền núi.
Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học được áp dụng thành công như nhân giống cây bằng dâm hom; hạt tuyển chọn, ghép; nuôi cấy mô... Cùng với đó, kết cấu hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất và ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng phát triển như đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng thủy lợi, công trình tưới cho cây công nghiệp, cây trồng cạn và tiêu úng cho các vùng màu. Bên cạnh đó, hiện đang triển khai đầu tư nhiều dự án thủy lợi lớn, trọng điểm, góp phần chống biến đổi khí hậu... Đặc biệt, ngành nghề nông thôn luôn được quan tâm với các làng nghề, làng có nghề sản xuất theo quy mô nhóm hộ, thôn, bản, xã.
Nhiều mô hình làng có nghề, làng nghề sản xuất tập trung tại các khu chế biến, cụm công nghiệp nhỏ được các địa phương trong tỉnh xây dựng đã phát triển với quy mô ngày càng lớn.
Ngoài ra, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được xác định là nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng NTM nên các địa phương tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, nhất là nguồn lực trong nhân dân, đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Từ đó góp phần làm thay đổi diện mạo ở nhiều vùng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”.
Sau 5 năm thực hiện chính sách “tam nông” (từ năm 2008 - 2013), có thể thấy, "Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" của Chính phủ được kỳ vọng như một cuộc kiến tạo mang đến nhiều đổi thay cho nông nghiệp địa phương - ngành kinh tế vốn được xem là trọng điểm của đất nước, tiến tới cụ thể hóa các mục tiêu theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020.