(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, chuyện thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Thu như thế nào? Mức bao nhiêu? Cách thu sao cho hợp lý?… là “bài toán” không hề đơn giản với các cấp quản lý và nhiều địa phương trong cả nước. Với mật độ các phương tiện tham gia giao thông lớn, số phương tiện xe cơ giới nhiều, nhất là môtô, Nghệ An hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện vấn đề trên. Vì vậy, nó đòi hỏi sự đồng thuận, nhất trí cao từ các cấp quản lý tới người dân để đạt được hiệu quả cao nhất.
Có thể thấy, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô là nhằm tạo thêm nguồn vốn cho các địa phương, cơ sở đầu tư sửa chữa, cải tạo hệ thống đường giao thông. Với ý nghĩa trên, nhiều địa phương đã hưởng ứng và triển khai rất tích cực. Từ nguồn thu này, đã thực hiện công tác bảo trì một số tuyến đường xuống cấp, tạo điều kiện để nhân dân đi lại thuận lợi hơn. Lợi ích rõ ràng như vậy, nhưng số thu trong cả tỉnh về phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô vẫn còn thấp.
Cần sự đồng thuận của người dân trong việc nộp phí đường bộ đối với xe môtô |
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2015, tuy mức thu không thay đổi so với các năm trước nhưng có một số nội dung thay đổi. Cụ thể, các năm trước, sau khi địa phương thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô, sau khi trừ chi phí, sẽ nộp toàn bộ về Quỹ Bảo trì đường bộ. Còn riêng năm 2005, theo Nghị định 56 của Chính phủ, với phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô, sau khi trừ đi phần nộp vào ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng nông thôn mới, số tiền còn lại sẽ nộp vào Quỹ Bảo trì đường bộ.
Tại Nghệ An, theo kết luận của Hội đồng nhân dân tỉnh trong phiên họp cuối năm 2014, mức nộp về Quỹ Bảo trì đường bộ là 40%, 60% còn lại là để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, kết quả thực hiện đến nay rất thấp. Theo dự toán, riêng trong năm 2014, mức thu phải đạt 36,4 tỉ đồng nhưng kết quả thu phí chỉ đạt 70,69% (25,7 tỉ đồng). Còn riêng năm 2015, với 448.424 xe môtô, số giao dự toán là 13,92 tỉ đồng, trong khi mức thu mới chỉ đạt 1,8 tỉ đồng (tính đến ngày 19/6). Cá biệt, có một số địa phương có mức thu đạt thấp như: Quế Phong (0%), TX Cửa Lò (0,15%), huyện Nghi Lộc (0,66%)… Trước tình trạng trên, Quỹ Bảo trì đường bộ Nghệ An đã có văn bản nhắc nhở các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ.
Qua tìm hiểu, có thể thấy, khó khăn lớn nhất khi thu phí sử dụng đường bộ trước hết là do chế tài xử phạt còn thiếu và chưa đủ mạnh, lực lượng thực thi pháp luật chưa cương quyết xử phạt các chủ phương tiện chưa nộp phí sử dụng đường bộ. Thực trạng trên dẫn đến tình trạng người dân chấp hành tốt việc nộp phí sử dụng đường bộ và người không chấp hành cũng ngang nhau, nghĩa là "hòa cả làng”. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn chưa thật sự quan tâm đến công tác thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô trên địa bàn; việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành nộp phí sử dụng đường bộ đối với đối tượng sử dụng xe môtô còn hạn chế…
Từ nguồn thu của phí sử dụng đường bộ với xe môtô, trên địa bàn tỉnh, nhiều con đường đã được duy tu, sửa chữa và xây mới. “Hiện nay, con đường nào có sử dụng nguồn kinh phí này khi hoàn thiện thì đều được gắn biển. Bên cạnh đó, nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc nộp phí sử dụng đường bộ. Các địa phương cũng cần tiến hành đồng bộ, tránh trường hợp nơi có, nơi không. Có đồng thuận thì mới mang lại hiệu quả cao”, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết thêm.
Hiện nay, mức thu phí đường bộ đối với xe môtô trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn thực hiện theo Quyết định số 42/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định đối tượng, mức thu, phương thức thu, tỉ lệ trích nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô trên địa bàn. Theo đó, xe có dung tích xi lanh đến 100 cm3, tại TP Vinh thu 80.000 đồng, các vùng khác thu 60.000 đồng; xe có dung tích xi lanh trên 100 cm3, tại TP Vinh thu 130.000 đồng, các vùng khác thu 110.000 đồng. Theo Nghị định 109, sẽ phạt tiền gấp 13 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định, mức phạt tối đa là 50.000.000 đồng.
.