Hội nhập kinh tế quốc tế là “con đường Việt Nam phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế”.
Đây là nội dung trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1054/TTg-KTTH ngày 14/7.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi khi Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA) đa phương và song phương, Chính phủ đã chuẩn bị giải pháp gì để hạn chế rủi ro khi hàng hóa, doanh nghiệp, lao động nước ngoài tự do vào Việt Nam? Đại biểu bày tỏ băn khoăn liệu có tránh được tình trạng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam đình đốn, hàng hóa nội địa bị ế ẩm, lao động trong nước gia tăng thất nghiệp.
Con đường phải đi
Theo văn bản trả lời này, thực hiện chủ trương của Đảng, Việt Nam đã tích cực triển khai hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các phương diện song phương, khu vực và đa phương. Trong năm 2015 này, nổi bật hơn cả là việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ký kết 2 Hiệp định FTA song phương với Liên minh Kinh tế Á-Âu và Hàn Quốc và đi vào giai đoạn đàm phán cuối cùng 2 FTA lớn khác là Hiệp định TPP và FTA với Liên minh châu Âu.
Các hoạt động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế luôn mang lại cả lợi ích và thách thức. Đầu tiên, sức ép cạnh tranh do Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu từ năm 1996 (khi bắt đầu gia nhập ASEAN) theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (CEPT/AFTA).
Trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã cố gắng yêu cầu có lộ trình cắt giảm thuế dài nhất có thể, cụ thể là kéo dài đến năm 2015, một số mặt hàng nhạy cảm được linh hoạt đến 2018, trong khi các nước ASEAN-6 đã cơ bản hoàn tất lộ trình vào năm 2010 với mức độ tự do hóa tới 99% biểu thuế. Như vậy, doanh nghiệp cũng đã có thời gian để chuẩn bị cho thách thức.
Ngoài ra, sức ép cạnh tranh trong mỗi ngành hàng là khác nhau, tùy thuộc vào năng lực sản xuất, cạnh tranh của sản phẩm nội địa tương tự cũng như nhu cầu thị trường. Thậm chí ngay trong cùng một ngành hàng thì sức ép cạnh tranh với từng doanh nghiệp cũng có thể khác nhau.
Ví dụ, một mặt hàng nông sản có thể phải cạnh tranh hơn với hàng hóa tương đồng đến từ các nước ASEAN trong khi đó, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực dệt may có thể không quá gắt gao do sản phẩm từ các đối tác như EU thuộc phân khúc cao cấp. Ngược lại, nhiều loại mặt hàng đầu vào như máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu lại là những thứ mà Việt Nam rất cần để phục vụ cho sản xuất, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cạnh tranh là tính hai mặt không thể phủ nhận. Một mặt, cạnh tranh sẽ có tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém. Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới, sáng tạo và phát triển, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Xét trên bức tranh lớn, tác động tổng thể và cộng hưởng của các FTA là tích cực, giúp Việt Nam thiết lập và củng cố trạng thái cân bằng động trong quan hệ với các đối tác, tránh phụ thuộc sâu vào một thị trường hay một khu vực thị trường cụ thể; mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, giúp giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm…; tạo thêm động lực cải cách thể chế, giúp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch; đồng thời thúc đẩy đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.
Mặt khác, Chính phủ cũng đàm phán, cam kết hội nhập với lộ trình chuyển đổi phù hợp để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, đặc biệt là cam kết đối với các loại hàng hóa nhạy cảm đối với Việt Nam. Công tác tuyên truyền, phổ biến cũng được tập trung để khai thác tốt lợi ích của hội nhập.
Chính phủ cũng tiếp tục thúc đẩy việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh, phối hợp tích cực với doanh nghiệp giải quyết các biện pháp hạn chế thương mại, chủ động vận dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua kênh hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại và đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Nhiều biện pháp nâng cao chất lượng lao động
Về vấn đề lao động nước ngoài tự do vào Việt Nam, văn bản trả lời này cũng cho biết các cam kết trong WTO chỉ dành cho các lao động có kỹ năng và trình độ cao, các lao động chỉ di chuyển ngắn hạn, tạm thời, và đã được thực hiện từ khi gia nhập WTO từ năm 2007.
Các cam kết về lao động trong khuôn khổ Hiệp định Di chuyển thể nhân trong ASEAN (2012) cũng như trong các FTA với các đối tác hầu hết đều giữ mức cam kết tương đương trong WTO, tức là không phát sinh nghĩa vụ mới.
Mặt khác, những thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ ASEAN về dịch vụ chuyên môn (MRA) chỉ mới nhằm thiết lập khuôn khổ chung cho việc đàm phán MRA đa phương hoặc song phương, chưa cam kết nghĩa vụ cụ thể. Ngoài ra, khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam có lợi thế về lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ.
Để bảo đảm người lao động nước ngoài vào Việt Nam tuân thủ theo các cam kết quốc tế và tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp trong nước, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về lao động, việc làm nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc đào tạo, tuyển dụng, quản lý và giải quyết việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc, ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp; tăng cường nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo nghề, gắn với việc làm và với doanh nghiệp; tiếp tục nâng cao hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm, nhất là hoạt động dự báo thông tin thị trường cũng như tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
.