(Congannghean.vn)-Nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm cứu nạn…, thời gian qua, các ngư dân ở huyện Quỳnh Lưu đã tích cực thành lập các mô hình liên kết tàu thuyền thành các tổ đội khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. Mặc dù còn gặp khó khăn, nhưng mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho ngư dân.
Tới thăm gia đình anh Bùi Quang Luyến ở thôn Thành Tiến, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu - chủ nhân của tàu cá NA93684, trong lúc gia đình anh đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt cá vụ nam. Từ khi có “tàu to, máy lớn”, anh cùng 14 thuyền viên khác đã tích cực vươn khơi bám biển. Sau mỗi chuyến ra khơi, anh thu về 150 triệu đồng, trừ các khoản chi phí khác, được lãi khoảng 100 triệu đồng. Đặc biệt hơn, từ khi tham gia mô hình liên kết tàu thuyền khai thác đánh bắt trên biển, thu nhập của anh ngày càng ổn định và các thuyền viên trên tàu cũng yên tâm bám biển. Anh Luyến chia sẻ: “Từ khi tham gia mô hình đánh bắt hải sản, tôi gặp rất nhiều thuận lợi. Ví dụ, trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản, mỗi tàu cách nhau 30 - 50 lý vẫn có thể liên lạc được với nhau”.
Ngư dân xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu vận chuyển cá lên bờ |
Trước đây, khi chưa thành lập mô hình liên kết tàu thuyền, hải sản đánh bắt được của ngư dân thường phải ướp đá, muối, vừa không đảm bảo chất lượng, vừa gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Nhưng từ khi có chủ trương liên kết tàu thuyền của Hội nghề cá xã, bà con ngư dân đã thành lập các tổ nhóm để hỗ trợ nhau trong sản xuất. Theo đó, cứ 3 - 5 tàu thì thành lập 1 tổ, trong đó gồm tàu khai thác và tàu chuyên tải phục vụ hậu cần.
Hiện nay, mỗi chuyến đi biển đánh bắt vụ cá nam của ngư dân kéo dài từ 1 - 3 ngày, vụ cá đông từ 5 - 7 ngày, nhờ mô hình liên kết tàu thuyền này, ngư dân yên tâm khai thác mà không phải lo khâu vận chuyển sản phẩm vào bờ. Hiệu quả rõ nhất của mô hình này là vừa giảm chi phí vận chuyển cho các tàu, vừa tăng sản lượng khai thác và thu nhập của người lao động cũng ổn định hơn.
Hiệu quả của mô hình thì đã rõ, tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn. Một số tổ đội do không có vốn đầu tư nên không có điều kiện sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị cũng như mạnh dạn ra khơi tìm kiếm ngư trường mới. Ngoài ra, việc vay vốn ưu đãi để tái sản xuất hoặc phát triển sản xuất tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, để giải quyết những vấn đề này, huyện Quỳnh Lưu cần tăng cường tuyên truyền, vận động bà con ngư dân tham gia mô hình liên kết tàu thuyền để hỗ trợ nhau trên biển; các tổ, đội đoàn kết thực hiện theo quy ước và có xác nhận của địa phương. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ sản xuất khi ngư dân tham gia vào tổ đội, nhất là chính sách cho vay vốn để phát triển sản xuất.
.