(Congannghean.vn)-Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể (NHTT) đối với đặc sản địa phương có vai trò quan trọng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các đặc sản, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, vực dậy các làng nghề đặc sản truyền thống, tạo việc làm cho nhân dân. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 5 đặc sản địa phương được cấp giấy chứng nhận đăng ký NHTT.
Theo Khoản 17, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, NHTT là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
Theo thống kê của các địa phương đã được đăng ký NHTT, hầu hết các sản phẩm đặc sản sau khi được đăng ký quyền bảo hộ NHTT đều được bán với giá cao hơn, sản lượng tiêu thụ mạnh hơn, người nông dân tập trung chăm lo phát triển sản xuất hơn. Chị Trần Thị Loan, chủ cơ sở sản xuất hương trầm Hà Loan ở thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu cho biết: “Từ khi sản phẩm hương trầm Quỳ Châu được đăng ký NHTT thì được nhiều người biết đến. Bà con chúng tôi cũng hăng say sản xuất nên số lượng hương sản xuất hàng năm tăng hàng triệu que, thúc đẩy được làng nghề phát triển. Đồng thời, tránh được tình trạng các cá nhân, doanh nghiệp khác làm nhái, sản phẩm làm ra được bán với giá cao hơn”.
Người làm tương ở Nam Đàn vẫn chịu thiệt thòi vì đặc sản tương Nam Đàn chưa đăng ký NHTT |
Có thể nhận thấy rằng, việc đăng ký NHTT cho các sản phẩm đặc sản không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho người dân ở địa phương mà còn là hình thức pháp lý để bảo vệ danh tiếng của đặc sản. Nếu đặc sản không được đăng ký NHTT thì sẽ không có công cụ pháp lý để bảo vệ. Các đặc sản dần dần sẽ bị mai một, không giữ được hoặc bị lạm dụng danh tiếng mà phát triển một cách tràn lan hoặc giả tạo. Thực tế cho thấy, việc các đặc sản địa phương bị một số cá nhân làm giả, làm nhái, khiến cho người tiêu dùng phải e dè, đề phòng khi mua các đặc sản. Tuy nhiên, đến nay, tỉ lệ số đặc sản trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận NHTT chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Được công nhận làng nghề từ năm 2010, với hơn 30 hộ làm tương chuyên nghiệp, hàng năm làng tương Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn cung cấp cho thị trường từ 400.000 - 500.000 lít tương, với quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng hóa chất, có vị ngọt đậm đà, nhờ “thủy chung” với cách làm truyền thống, cầu kỳ mà được nhiều người biết đến. Giờ đây, tương Nam Đàn đã trở thành cái tên nổi tiếng trong làng ẩm thực Việt. Thế nhưng, đến nay, đặc sản này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận NHTT.
Không chỉ có tương Nam Đàn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 40 đặc sản, nhiều đặc sản được người tiêu dùng trong tỉnh và nhiều tỉnh thành khác trong nước rất ưa chuộng như: Nhút Thanh Chương, nước mắm Vạn Phần ở Diễn Châu… nhưng vẫn chưa có sản phẩm nào được đăng ký quyền bảo hộ.
Lý giải về nguyên nhân này, ông Bùi Quang Hưng, Phó phòng Quản lý công nghệ thuộc Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An cho biết: “Đặc sản của Nghệ An rất đa dạng, nhưng số được bảo hộ nhãn hiệu còn quá ít là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, do cách thức làm của người dân hiện nay còn chưa tập trung, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Thứ hai, do thói quen sản xuất và tiêu dùng tự do của người dân, họ còn e ngại sự ràng buộc bởi tập thể sản xuất hoặc tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều người còn thiếu hiểu biết về việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm”.
Việc thúc đẩy đăng ký bảo hộ NHTT cho đặc sản địa phương là một vấn đề đỏi hỏi sự chung tay góp sức của các cấp, ngành, đặc biệt phải có sự vào cuộc của người dân vùng đặc sản. Bên cạnh đó, Sở Khoa học Công nghệ cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về đăng ký NHTT cho các vùng có đặc sản theo phương châm thiết thực, dễ hiểu và sát với đối tượng, thực tế.
.