Kinh tế xã hội
Cần quản lý, bảo vệ các công trình phục vụ dân sinh
10:19, 15/07/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, thông qua các chương trình, dự án, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều công trình phục vụ dân sinh. Nhờ có sự đầu tư lớn, kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi ngày càng khởi sắc. Tất cả các xã miền núi hiện nay đều đã có trường học cao tầng, trụ sở làm việc của UBND xã khang trang. Hệ thống giao thông ngày càng hiện đại, những chiếc cầu treo bắc qua sông, suối đã thay thế những chiếc cầu tạm.
Các công trình nước sạch đã về tận thôn, bản. Tất cả những công trình trên, sau khi hoàn thành đã phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số miền núi ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất khấm khá.
Một công trình nước sạch ở vùng cao đã hư hỏng, xuống cấp do không được bảo vệ, sử dụng đúng cách |
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là những công trình sau khi hoàn thành, mới đưa vào sử dụng đã không giao nhiệm vụ cụ thể cho ai quản lý, phần lớn mọi người cũng chỉ thiên về sử dụng, khai thác, hưởng thụ. Vì không ai chịu trách nhiệm quản lý, nên các công trình trên nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Công trình nước sạch khi về đến đầu bản, thôn, xóm do không có ai quản lý, bảo dưỡng nên người dân thường đào, khoét, cải tạo để đưa nước về tận nhà. Vòi nước sau khi mở không có ai khóa, nước chảy lênh láng cả ngày…, chỉ sau một thời gian ngắn, công trình đã bị xuống cấp.
Về hệ thống kênh mương thủy lợi, ai nhanh tay hơn thì “can thiệp” để đưa nước vào ruộng nhà mình, nên chỉ sau vài vụ mùa, tuyến kênh mương đã xuống cấp, hư hỏng. Những chiếc cầu treo “nối những bờ vui”, chỉ sau vài năm, lan can cầu, những thanh sắt bảo vệ bị phá, lấy trộm, những tấm ván lát mặt cầu bong tróc, hư hỏng. Rồi trụ sở, nhà văn hóa cộng đồng không có người bảo vệ, khi hết giờ làm việc ra về, không đóng cửa sổ, để gió đập hư hỏng, bị kẻ xấu lấy trộm… Ngay cả những công trình thủy điện, thủy lợi, chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng, tua bin không chạy được vì quá tải, bởi nhà nào cũng thi nhau mua sắm bóng đèn, thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình. Trong khi máy móc không ai bảo quản nên hư hỏng là điều khó tránh khỏi.
Để những công trình phục vụ dân sinh phát huy hiệu quả lâu dài, bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ cho nhân dân, cần giao rõ trách nhiệm quản lý cho chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND xã phải là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cả trong giám sát thi công và quản lý, bảo vệ công trình khi hoàn thành, đưa vào sử dụng; gắn trách nhiệm bảo vệ công trình với chức trách của từng bộ phận.
Ví dụ, Ban Nông nghiệp xã, đứng đầu là Phó Chủ tịch phụ trách nông lâm, thủy sản phải chịu trách nhiệm vận hành, quản lý, bảo vệ các công trình phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp. Các công trình thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội thì giao cho Ban Văn hóa xã, đồng chí Phó Chủ tịch Văn xã phải chịu trách nhiệm chính. Còn nếu với thực tế quản lý như hiện nay, tình trạng của công “cha chung không ai khóc” sẽ còn tiếp diễn. Hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước bỏ ra xây dựng công trình sau vài năm, thậm chí vài tháng sẽ bị hư hỏng, gây lãng phí.
Phùng Văn Mùi