Kinh tế xã hội
Cần quan tâm khám chữa bệnh nghề nghiệp
(Congannghean.vn)-Trong quá trình lao động sản xuất, nếu không được quan tâm đúng mức, người lao động (NLĐ) dễ mắc các căn bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như hiệu quả, năng suất lao động. Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc phòng bệnh nghề nghiệp và khám chữa bệnh nghề nghiệp vẫn chưa được phần lớn doanh nghiệp quan tâm.
Doanh nghiệp không mặn mà
Theo Điều 7, Luật Lao động, doanh nghiệp sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ (SKĐK) cho NLĐ, kể cả người học nghề, tập nghề, ít nhất 1 lần/năm. Đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì ít nhất 6 tháng/lần. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, công ty, chủ sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ này, nếu có thì cũng chỉ khám qua loa nhằm đối phó.
Chị Nguyễn Thị Huyền, công nhân làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Bắc Vinh vô cùng ngạc nhiên khi được hỏi về khám chữa bệnh nghề nghiệp. “Chúng tôi làm việc ở đây đã gần 3 năm nhưng chưa khi nào được khám bệnh nghề nghiệp. Trừ ngày đầu nộp hồ sơ, công ty bắt buộc phải có giấy khám sức khỏe”.
Thực tế, mỗi lao động khi khám sức khỏe định kỳ theo quy định bắt buộc, chi phí khoảng từ 200.000 đồng trở lên (chưa nói đến các bệnh phát sinh, các bệnh nghề nghiệp khác). Bình quân, một doanh nghiệp có 100 lao động, nếu “quên” khám SKĐK, chủ doanh nghiệp đã “tiết kiệm” được hàng chục triệu đồng. Mặt khác, khi phát hiện NLĐ bị bệnh nghề nghiệp thì bên phía doanh nghiệp phải bỏ ra khoản chi phí không nhỏ để đền bù, phục vụ cho NLĐ điều trị, chữa bệnh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn còn mang nặng vấn đề, nếu bệnh nghề nghiệp diễn ra trong công ty thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Chính vì vậy, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã “lách luật”, thậm chí lãng quên để khỏi khám SKĐK cho NLĐ.
Người lao động cần “lên tiếng” để được khám sức khỏe định kỳ |
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2015, Trung tâm đã tổ chức triển khai khám SKĐK cho 10.721 công nhân lao động tại 23 cơ sở, đơn vị. Đây là con số còn khá khiêm tốn so với số lượng công nhân trên địa bàn tỉnh, mặc dù biết rằng, bên cạnh Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vẫn còn có một số cơ sở y tế khác cũng có chức năng khám SKĐK cho NLĐ theo Thông tư 14/2013 của Bộ Y tế như bệnh viện tỉnh, phòng khám tư nhân.
Cần được quan tâm
Mặc dù theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho NLĐ, nhưng do còn thiếu chế tài xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm nên các đơn vị sử dụng lao động vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh những doanh nghiệp luôn thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh cho NLĐ, vẫn có không ít doanh nghiệp còn né tránh nghĩa vụ này.
Bác sĩ Lê Tuấn Anh, Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Bất kể doanh nghiệp sử dụng công nghệ thiết bị hiện đại hay sản xuất bằng thủ công thì môi trường làm việc vẫn chứa các yếu tố độc hại. NLĐ nếu làm việc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, không được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy nhưng, không chỉ các doanh nghiệp thờ ơ với việc khám SKĐK, mà NLĐ cũng rất mù mờ hoặc biết nhưng lại không dám yêu cầu, kiến nghị với doanh nghiệp vì sợ ảnh hưởng tới công việc. Vì vậy, vô hình trung đã đánh mất quyền lợi chính đáng của bản thân”.
Bệnh nghề nghiệp không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của NLĐ mà còn làm giảm hiệu quả, năng suất lao động, tăng nguy cơ tai nạn lao động. Song, bệnh nghề nghiệp hoàn toàn có thể phòng tránh nếu có sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và ngay bản thân NLĐ. Chính vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các bên tham gia trong các khâu triển khai, quản lý, kiểm tra, giám sát, xử phạt như ngành y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Bên cạnh đó, bản thân NLĐ cũng cần phải quan tâm tìm hiểu về khám chữa bệnh định kỳ, cũng như đối với căn bệnh mà mình mắc phải.
Đặng Duyên