Kinh tế xã hội

Công nghiệp dệt may

Thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động

08:37, 06/07/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Sau hơn 2 năm tích cực đàm phán, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu đã được ký kết chính thức vào ngày 29/5 vừa qua, mở ra những cơ hội mới trong quan hệ hợp tác với các nước thành viên. Với dân số 175 triệu người và tổng GDP xấp xỉ 2.500 tỉ USD, Liên minh Kinh tế Á - Âu hứa hẹn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp định này có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng về việc các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước của mình.
 
Trong thời gian qua, tại Nghệ An, từ năm 2010, công nghiệp dệt may đã tạo thành “làn sóng” phát triển với sự ra đời của hàng loạt khu, cụm công nghiệp, hàng chục nhà máy dệt may lớn nhỏ. Đó là chưa kể tới hàng loạt cơ sở may mặc gia công, nhỏ lẻ được phân bố rộng rãi khắp các địa phương trong tỉnh. Công nghiệp dệt may thực sự đã tạo cú hích đối với sự phát triển công nghiệp, kinh tế của tỉnh nhà, nhất là tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. 
Công nghiệp dệt may thu hút nhiều dự án FDI, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động
Công nghiệp dệt may thu hút nhiều dự án FDI, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động
 
Thực hiện chính sách thu hút đầu tư của Nghệ An, ngoài các cơ sở sản xuất cũ như Nhà máy Hoàng Thị Loan, Dệt may Quân khu 4…, 5 năm trở lại đây, xuất hiện hàng loạt nhà máy dệt may mới. Đầu tiên phải kể đến Công ty Havina Kim Liên tại Cụm công nghiệp Nam Giang, Nam Đàn với quy mô 4.000 lao động (hiện đang có khoảng 2.000 lao động hoạt động). Tại cụm công nghiệp này còn có Nhà máy Hanosimex Nam Đàn với quy mô hơn 1.000 lao động.
 
 Rồi từ đó, hàng loạt dự án dệt may đi vào hoạt động như: Dự án của Công ty Khải Hoàn tại Cụm công nghiệp thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn; Nhà máy Namsung Vina tại Cụm công nghiệp Diễn Tháp hay dự án 100% vốn của Nhật Bản tại huyện Yên Thành… Đó là chưa kể đến các dự án đang tiếp tục được triển khai như: Dự án tại Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, TX Hoàng Mai… cùng hàng loạt công ty TNHH gia công, các nhà máy nhỏ lẻ được phân bổ khắp các địa phương.
 
Ngoài chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của UBND tỉnh, Nghệ An còn có nhiều điểm thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp dệt may. Nguồn nhân lực dồi dào chính là cơ sở để triển khai hàng loạt các dự án, vừa giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn nhân lực địa phương, vừa giúp tỉnh Nghệ An giải quyết “bài toán” việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn. Hiện nay, theo thống kê của Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương Nghệ An, có khoảng 10.000 lao động đang làm việc tại các nhà máy dệt may (quy mô là 15.000 công nhân), với mức thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
 
Theo dự đoán của các chuyên gia, “làn sóng” đầu tư vào công nghiệp dệt may vẫn sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, nhằm đón đầu các hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Hàn Quốc… mà qua nhận định, ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, do nhiều dòng thuế sẽ giảm về 0%. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội thuận lợi này, các doanh nghiệp dệt may phải không ngừng nỗ lực, hoàn thiện. Trước hết, ngoài đòi hỏi về quy mô, chất lượng không ngừng được cải thiện, việc quy hoạch nhà ở cho các công nhân vẫn cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
 
Hiện tại, nhiều nhà máy dệt may tại các cụm công nghiệp vẫn đang chủ yếu lồng ghép trong khu dân cư, việc xây dựng nhà ở, đảm bảo ANTT đang đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa từ các cấp quản lý. Bên cạnh đó, việc hình thành cụm công nghiệp dệt may hoàn thiện cũng là nhiệm vụ quan trọng. Hiện nay, Khu công nghiệp dệt may Thọ Lộc đang trong quá trình hình thành, với quan điểm hình thành hệ thống phục vụ công nghiệp dệt may một cách hoàn chỉnh như: Kéo sợi, dệt, may…
 
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may trong cả nước ước đạt khoảng 10,15 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng loạt dự án có vốn đầu tư FDI quy mô lớn vào ngành dệt may. Tận dụng những ưu thế sẵn có, cộng với hoàn thiện công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đón đầu những cơ hội sẽ là động lực quan trọng để công nghiệp dệt may tiếp tục phát huy vai trò là ngành công nghiệp mũi nhọn trong thời gian tới.

Mai Hậu

Các tin khác