Kinh tế xã hội
Chất lượng, uy tín phải đặt lên hàng đầu
(Congannghean.vn)-Đến nay, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Nghệ An được 6 năm. Dù còn nhiều vấn đề cần khắc phục, tháo gỡ, tuy nhiên có thể khẳng định, cuộc vận động trên đã từng bước góp phần thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động. Cũng từ cuộc vận động, lòng yêu nước, văn hóa tiêu dùng của người dân ngày càng được nhân rộng và phát huy.
Dọc các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn TP Vinh và ở khắp các huyện, thị, những cửa hàng “made in Việt Nam” xuất hiện ngày càng nhiều. Không chỉ đầu tư mạnh vào lĩnh vực thời trang mà những vật dụng thiết yếu của cuộc sống cũng được nhiều chủ cửa hàng lựa chọn để bày bán, giới thiệu đến người tiêu dùng.
Ngay tại các hội chợ lớn, các trung tâm thương mại, những mặt hàng có xuất xứ từ Nghệ An nói riêng, Việt Nam nói chung đã phần nào khẳng định được uy tín và thương hiệu. Chỉ tính riêng trong năm 2014, toàn tỉnh đã tổ chức 11 hội chợ ở địa bàn TP Vinh và các địa bàn khác trong toàn tỉnh trên sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An do Sở Công thương tổ chức.
Bên cạnh đó, để người Việt có thể yên tâm sử dụng các mặt hàng Việt có chất lượng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các ban, ngành chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác điều tra, khảo sát nhằm ngăn chặn các hành vi mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
Chọn hàng Việt đang là thói quen của nhiều người dân. Ảnh: Bình Nguyên |
Năm 2014, đã tiến hành 8.863 vụ kiểm tra, trong đó có 6.511 vụ bị xử lý, tổng giá trị thu phạt lên tới 9,8 tỉ đồng, nhờ đó, tạo điều kiện thuận lợi để hàng Việt Nam đến được tay người tiêu dùng. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tăng cường hoạt động khuyến mãi đối với các sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước.
Thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đến nay, các sở, ban, ngành đã tổ chức trên 50 đợt đưa hàng Việt về đến các huyện, tổng thu ước đạt trên 35 tỉ đồng. Các chương trình này nhận được sự đồng tình cao của nhân dân, vì thông qua đó, người dân địa phương có cơ hội tiếp cận với những loại hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất, đạt chất lượng và có giá cả hợp lý.
Đây cũng là dịp để doanh nghiệp trực tiếp nhận được phản hồi của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình, đồng thời đánh giá chính xác thực tế thị trường từng địa phương. Từ đó, giúp doanh nghiệp đưa ra những chiến lược kinh doanh mới, phù hợp với thị trường và mang đặc trưng vùng miền để mở hướng phát triển lâu dài, bền vững. Đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp tăng cường gặp gỡ các nhà phân phối, các đại lý tiềm năng của từng địa phương, thông qua đó quảng bá hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp và mở rộng kênh phân phối.
Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, nhiều người dân đã “tẩy chay” các loại hàng hoá giá rẻ, kém chất lượng, thay vào đó, có sự chọn lựa kỹ càng hơn, tạo điều kiện cho hàng Việt “lên ngôi”. Tuy nhiên, điều này mới chỉ dừng lại ở việc làm đơn lẻ mà chưa tạo thành “làn sóng” có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Các cửa hàng kinh doanh thời trang sản xuất tại Việt Nam mọc lên ngày càng nhiều tại thành phố Vinh |
Theo các chuyên gia, nhân cơ hội này, Hiệp hội Người tiêu dùng, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và cả các doanh nghiệp Việt Nam… nên tích cực triển khai các chương trình tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi người dân ủng hộ và sử dụng hàng Việt nhiều hơn. Những chương trình được đưa ra cần chú ý đánh vào ý thức tự giác của người tiêu dùng, làm sống dậy tinh thần yêu nước, vì dân tộc của người Việt.
Tuy nhiên, chinh phục lòng tin hoặc thay đổi thói quen tiêu dùng của mỗi người là việc làm không hề đơn giản, cần quá trình tác động lâu dài. Bên cạnh việc phải cạnh tranh với các loại hàng hoá kém chất lượng, các doanh nghiệp Việt Nam cần có nhiều sáng tạo trong cải tiến mẫu mã, giảm giá thành để có thể “chạy đua” với các loại hàng hoá chất lượng của các nước như Thái Lan, Malaysia… Bởi vấn đề quan trọng nhất vẫn là từ khâu sản xuất, vì nếu sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng thì người Việt sẽ chủ động tìm đến hàng Việt, chứ không chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu kêu gọi chung chung.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm… nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt. Đồng thời, thiết lập những kênh phân phối sản phẩm thuận tiện, linh hoạt, hiệu quả để đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.
Mai Hậu