Kinh tế xã hội

Đào tạo nghề cần gắn với xây dựng nông thôn mới

09:15, 23/06/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là tiền đề quan trọng của quá trình CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn mà mục tiêu trước mắt là xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp; sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, đơn vị cùng với sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người lao động. Nhờ vậy, công tác đào tạo nghề đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
 
Đào tạo nghề cho LĐNT được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo. Ngay sau khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020"; đồng thời với việc mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho LĐNT như kỹ thuật nấu ăn, may công nghiệp, kỹ thuật trồng nấm…, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT, từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. 
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn  cần được quan tâm để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới   (Trong ảnh: Nghề trồng nấm đang phát triển ở nông thôn)
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần được quan tâm để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới (Trong ảnh: Nghề trồng nấm đang phát triển ở nông thôn)
 
Qua các lớp dạy nghề, nhiều học viên đã thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất theo kinh nghiệm, từ đó mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát triển thêm các ngành, nghề mới. Gia đình chị Nguyễn Thị Hằng ở xóm 6, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu vừa làm ruộng kết hợp với chăn nuôi bò, lợn nhưng trước đây, do chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ theo kinh nghiệm nên có đợt, gia súc bị dịch bệnh chết gần hết. Tuy nhiên, từ khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi - thú y do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm Hội Nông dân tỉnh tổ chức vào cuối năm 2013, chị đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi theo hình thức trang trại khép kín.
 
Điều đáng nói, do có thể tự tiêm phòng và chữa trị những bệnh thông thường cho đàn gà, lợn, bò nên trang trại của gia đình chị không xảy ra thiệt hại lớn. Tương tự, trước đây, gia đình chị Hoàng Thị Lan ở xóm 5, xã Nam Thành, huyện Yên Thành chỉ buôn bán nhỏ và phát triển chăn nuôi. Sau khi tham gia lớp học nghề trồng nấm ở Trung tâm Dạy nghề huyện Yên Thành, cuối năm 2011, chị quyết định vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng để xây dựng trang trại trồng nấm rộng 100 m2. Lý do khiến chị quyết định “thử sức” với một nghề khá mới ở địa phương là vì nghề trồng nấm tương đối đơn giản, dễ làm, vốn đầu tư ít, quay vòng vốn nhanh và nguồn nguyên liệu chủ yếu là rơm lại khá dồi dào.
 
Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí 12 quy định về việc chuyển đổi cơ cấu LĐNT từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là một trong những tiêu chí khó hoàn thành nhất. Theo quy định, để được công nhận xã nông thôn mới, tỉ lệ lao động ở độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp phải giảm xuống dưới 35%. Để đáp ứng tiêu chí này, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề. Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh đã tổ chức 48 cơ sở tham gia dạy nghề cho LĐNT, với 268.313 LĐNT được tham gia học nghề (đạt 84,3% so với chỉ tiêu đề ra trong đề án của tỉnh).
 
Trong đó, số LĐNT được hỗ trợ học nghề theo chính sách đề án là 40.493 người; tỉ lệ LĐNT có việc làm tăng năng suất, tăng thu nhập đạt 74,1%. Ngoài ra, toàn tỉnh đã tổ chức 140 lớp dạy nghề mô hình cho 4.544 người với tỉ lệ có việc làm, thu nhập ổn định đạt trên 80%. Kết quả đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 30% năm 2009 lên 46% năm 2014 và góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp; tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn, góp phần tích cực trong việc thực hiện chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. 
 
Ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Mục tiêu của tỉnh đề ra là đến năm 2020, sẽ có 50 - 70% LĐNT đã qua đào tạo. Để thực hiện mục tiêu này, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các trung tâm dạy nghề xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng giai đoạn cụ thể, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lao động của địa phương, gắn công tác đào tạo nghề với xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Cơ cấu ngành nghề đào tạo sẽ phát triển theo hướng giảm dần tỉ trọng nông - lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỉ lệ lao động được đào tạo trong các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, thương mại, từ đó góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động và các ngành nghề nông thôn, đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Cao Loan

Các tin khác