Kinh tế xã hội

Huyện Thanh Chương

Đất sản xuất bị sông Lam 'nuốt trôi'

08:47, 07/07/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Hơn 10 năm nay, đất sản xuất của người dân các xã Thanh Hà, Thanh Long, Thanh Giang, Thanh Lâm, huyện Thanh Chương đang bị sông Lam “nuốt trôi”. Người dân sống trong thấp thỏm vì những nguy cơ đe dọa của các đợt sạt lở nghiêm trọng.
 
Theo phản ánh của người dân xã Thanh Giang, trong nhiều năm nay, tình trạng sạt lở đất ở bãi bồi ven sông Lam diễn ra hết sức nghiêm trọng. Trong đó, hơn 10 ha đất bãi bồi đã bị nước sông Lam cuốn trôi, số diện tích còn lại cũng đang có nguy cơ sạt lở. Các xóm Lam Dinh, Bình Ngô và Biên Quản là những địa phương nằm trong diện có nguy cơ bị sạt lở nhiều nhất.
Nước sông Lam khoét đất sản xuất, tạo thành hàm ếch rất nguy hiểm
Nước sông Lam khoét đất sản xuất, tạo thành hàm ếch rất nguy hiểm
 
Toàn xã Thanh Giang có 80 ha đất bãi màu, trong đó có 30 ha đất bãi ven sông Lam. Tuy nhiên, tại đây, tình trạng sạt lở diễn ra từng ngày, chạy dọc từ đầu bãi đến cuối bãi với chiều dài khoảng 3 km, nhiều nơi bị khoét sâu hàm ếch vào đất sản xuất. 
 
Chị Nguyễn Thị Thinh, người dân xóm Biên Quản, có diện tích đất trồng trọt trên khu vực này không khỏi xót xa: “Ngày trước, đất từ mép sông đi vào rộng hàng trăm mét nhưng nay chỉ còn lại chừng 5 - 7 m, nhà tôi có 4 sào đất canh tác ở mép sông giờ cũng bị thu hẹp lại hơn 1 sào. Tình trạng sạt lở năm sau nghiêm trọng hơn năm trước thế này thì không biết ít năm nữa có còn đất mà sản xuất nữa không?”.
 
Theo quan sát của chúng tôi, trên đoạn sông từ bến Phuống đến bãi Triều thuộc xã Thanh Giang, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị lở khoét hàm ếch và trôi xuống sông Lam, nhiều nơi khác, đất đã có dấu hiệu sạt lở. Mùa mưa lũ đang đến gần nên nhiều người dân có diện tích đất quanh khu vực sạt lở hàng ngày vẫn đau đáu nỗi lo trước những đợt nước dâng, phần diện tích đất nông nghiệp sẽ bị sông “nuốt trôi”.
 
Ông Tưởng Quốc Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Giang cho biết: “Nguyên nhân chính là do sự thay đổi dòng chảy của sông Lam những năm gần đây, lạch chính thường xuyên chảy về phía địa bàn xã Thanh Giang. Bên cạnh đó, đất bên bờ sông là đất pha cát, có vùng cát trắng nên rất dễ bị ảnh hưởng sạt lở và khi đã sạt lở, lại khó khắc phục”. Ngoài ra, theo người dân địa phương, một nguyên nhân nữa là do hậu quả từ việc khai thác cát trái phép dọc các mép sông nên hiện tượng sạt lở đất mới diễn ra mạnh đến vậy.
 
Người dân sống quanh khu vực bờ sông rất bức xúc vì tình trạng khai thác cát “chui” diễn ra thường xuyên. Ông Trần Đình Hoa, một người dân xóm Lam Dinh cho biết: “Nhà tôi ở sát bờ sông nên tối nào cũng nghe tiếng máy móc hút cát chạy ầm ầm. Cứ đà này, chẳng mấy chốc mà sông lấn cả vào nhà”. 
 
Sau khi xuất hiện hiện tượng sạt lở trên địa bàn, UBND xã Thanh Giang đã chủ động tham mưu cấp ủy Đảng,  HĐND các phương án hạn chế, khắc phục sạt lở. Cụ thể, năm 2004 - 2005, UBND xã đã chỉ đạo, huy động người dân làm 3 kè chống sạt lở trị giá 60 triệu đồng,  đồng thời chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể huy động đoàn viên, hội viên trồng cây bảo vệ ở những đoạn chưa diễn ra tình trạng sạt lở. Thế nhưng, thực trạng sông “nuốt” đất sản xuất vẫn chưa được khắc phục.

Đức Chung

Các tin khác