Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201305/28583-30-ha-dat-nong-nghiep-bo-hoang-vi-o-nhiem-nuoc-sinh-hoat-404907/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201305/28583-30-ha-dat-nong-nghiep-bo-hoang-vi-o-nhiem-nuoc-sinh-hoat-404907/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
30 ha đất nông nghiệp bỏ hoang vì ô nhiễm nước sinh hoạt - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 29/05/2013, 08:16 [GMT+7]
28583

30 ha đất nông nghiệp bỏ hoang vì ô nhiễm nước sinh hoạt

Trong những năm gần đây, do tốc độ phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở thành phố Vinh bị thu hồi để triển khai các dự án, người nông dân ngày càng thiếu đất sản xuất. Thế nhưng, hàng chục ha đất nông nghiệp của người dân phường Hưng Dũng đang phải bỏ hoang vì ô nhiễm nước sinh hoạt.
 
Giữa nắng hè gay gắt như đổ lửa, theo chân một cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Dũng, chúng tôi đến “đồng Gộc” (phường Hưng Dũng - P.V) để tìm hiểu những phản ánh của người dân. Trời càng nắng, mùi nước thải đặc quánh, đen ngòm dưới chân ruộng thêm nồng nặc, khó chịu. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho gần chục ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân ở khu vực này bị bỏ hoang 4 - 5 năm nay.
 
Ông Vương Huy Dần bên ruộng lúa lép hạt
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực này có một con mương dẫn nước sinh hoạt bằng bê tông, từ khu dân cư phường Bến Thủy đổ thẳng ra mương hở (mương đất), vì vậy, nước sinh hoạt từ đó lấn dần sang đất nông nghiệp. Ông Vương Huy Dần - Kiểm soát viên Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Dũng than thở: Trước đây, cánh đồng này chủ yếu trồng lúa hai vụ, năng suất cao lắm, một số ít diện tích người dân trồng rau muống rất tốt.
 
Vậy mà gần 5 năm nay, không thể trồng được cây gì, phải bỏ hoang vì nước ô nhiễm, hôi thối quá. Ban đầu người ta còn trồng rau muống, nhưng dần dần rau muống cũng chết vì nước thải quá bẩn. Về mùa này trời nắng hạn, nước thải chỉ nằm trong lòng mương đất, chứ mùa mưa thì nó tràn ra ngoài ruộng, kèm theo bao nhiêu là rác rưởi.
 
Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực này, những diện tích không bị ô nhiễm, lúa vẫn trĩu bông, rau màu tươi tốt. Trái lại, phần ruộng bị nước thải xâm lấn, lúa bị lép hạt, người dân không có gì để thu hoạch. Chỉ tay xuống một ruộng lúa gần đó, ông Dần nói thêm: Chú xem này, khóm lúa to và xanh như thế nhưng bông lép hết, không làm thì tiếc, làm thì không có thu hoạch mà tiền thuế người dân vẫn phải nộp. Tại đồng “Nhà Vương”, ruộng lúa của gia đình anh Cảnh, anh Đào, anh Thắng, anh Võ Minh, anh Sáng… đều có chung tình trạng tương tự.
 
Rời đồng Gộc, chúng tôi tiếp tục qua đồng Sác, đồng Gối… thay vì ruộng lúa, ruộng màu thì những cánh đồng này đang xanh tươi một màu của cây bèo Nhật Bản, cây Mùng ngứa, cỏ dại um tùm. Theo số liệu tổng hợp sơ bộ của Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Dũng, hiện tại có gần 30 ha đất nông nghiệp, người dân sản xuất nhưng không có thu hoạch (đồng Dâu, đồng Nhà Vương, đồng Gối, đồng Xi Lang, đồng Nầu). Bên cạnh đó, khoảng 30 ha đất nông nghiệp khác của người dân phải bỏ hoang vì nước thải ô nhiễm.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phúc Nam - Chủ nhiệm Hợp tác xã Hưng Dũng cho biết: Trước thực trạng nước thải ô nhiễm đến đất sản xuất nông nghiệp của người dân, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND phường, UBND thành phố tìm phương án giải quyết. Phương án lâu nay vẫn là tiến hành nạo vét mương, khơi thông dòng chảy nhưng vì kinh phí eo hẹp nên việc nạo vét hàng năm chưa được nhiều.
 
Mùa mưa đến, nước thải vẫn tiếp tục ngập úng ruộng thường xuyên. Ông Nam nói thêm, nước thải này bẩn lắm, nếu lội ruộng không có đồ bảo hộ lao động thì chắc chắn là bị ngứa, thậm chí nhiều người còn bị lở loét. Chúng tôi mong muốn thành phố sớm cho xây dựng mương kín, dẫn nước thải qua đồng để người dân tiếp tục sản xuất.
 
Ông Bùi Đức Lộc - Giám đốc Công ty CP Quản lý phát triển Hạ tầng đô thị Vinh cho biết: Trước năm 2010, thành phần các chất hóa học trong nước thải sinh hoạt thành phố đang còn thấp, ao hồ trong thành phố đang còn nhiều, nên việc ô nhiễm chưa nghiêm trọng lắm. Từ năm 2010 đến nay, do tốc độ đô thị hóa, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, dân cư tập trung về thành phố ngày càng đông nên lượng nước thải ngày một nhiều và thành phần hóa học trong nước thải tăng lên, rất bẩn.
 
Hiện nay, thành phố đã kịp thời xây dựng Nhà máy xử lý nước thải hiện đại, theo công nghệ sinh học của Châu Âu tại xã Hưng Hòa, với công suất 25.000m3/ngày đêm. Trong những năm tới, khi Dự án xây dựng mương dẫn nước thải về nhà máy xử lý hoàn thiện, sẽ chấm dứt tình trạng nước thải sinh hoạt tràn ra ruộng.
 
Mong rằng, Dự án xây dựng mương kín, dẫn nước thải sẽ sớm được triển khai, góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp cho người dân Hưng Dũng.

Đức Thắng - Ngọc Anh
.