Kinh tế xã hội

Vai trò của doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn

10:32, 08/07/2015 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Năm nào cũng vậy, điệp khúc nông sản “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ đến hẹn lại lên đã chứng tỏ mối liên kết ngang giữa nông nghiệp và thị trường chưa bền chặt. Chính vì vậy, sự cần thiết phải có những chính sách mạnh mẽ để thu hút doanh nghiệp gắn với nông thôn và tạo nên các doanh nghiệp đầu tàu trong phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh khâu liên kết dọc giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước.

Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế nông thôn cũng như mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp.

Đảng chủ trương: “Đối với giai cấp nông dân, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đưa công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện tốt chính sách về ruộng đất. Tạo điều kiện để giúp nông dân chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ. Khuyến khích nông dân hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại để phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống…”.

Trong nền kinh tế hàng hóa thị trường, thương nghiệp là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của các ngành sản xuất, nhất là quan hệ thị trường giữa hai ngành kinh tế cơ bản là nông nghiệp và công nghiệp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là hai chân của nền kinh tế. Chúng phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển tất yếu thông qua việc tiêu thụ, trao đổi sản phẩm của nhau bằng quan hệ buôn bán, thương nghiệp.

Người nói: “Trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: Nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp. Ba mặt đó quan hệ mật thiết với nhau… Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp… Công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc…”.

Cần có chế độ đãi ngộ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Cần có chế độ đãi ngộ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Trên thực tế hiện nay, tuy một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng số lượng này còn ít và chưa tương xứng với tiềm năng của chúng ta. Theo thống kê, năm 2014, chỉ khoảng 1% doanh nghiệp cả nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Chính vì “khâu thương nghiệp bị đứt”, “không chạy” nên nhiều năm qua, điệp khúc nông sản “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ đến hẹn lại lên. Những thông tin như “Dưa hấu 500 đồng/kg, nông dân bỏ mặc cho trâu bò ăn”, “Hành tây Đà Lạt ế hàng nghìn tấn, giá thấp kỷ lục”, “50.000 tấn hành tím Sóc Trăng ế ẩm, mất giá”, “Tiêu thụ nông sản bằng… tình thương”… không còn xa lạ với người dân cả nước.

Có thể nói, nông sản Việt Nam sản xuất ra nhiều nhưng tiêu thụ lại rất bấp bênh. Vì vậy, khắc phục được các mối liên kết này sẽ hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá của nông sản, từ đó mới có thể giải quyết được tận gốc những hạn chế, yếu kém của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua. Hơn nữa, không thể xây dựng nông nghiệp, nông thôn và phát triển giai cấp nông dân một cách riêng biệt, cô lập, mà phải liên kết với các “nhà” khác, trong đó không thể thiếu doanh nghiệp.

Nhận thức được tầm quan trọng của mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND về một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020. Đồng thời, tỉnh cũng đã tập trung chú trọng nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa liên thông thông thoáng…

Dưới sự điều tiết có hiệu quả của các cấp, ngành, sự đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ví dụ điển hình nhất là Tập đoàn sữa TH, từ năm 2009 đã triển khai dự án nuôi bò sữa trên diện tích 37.000 ha, đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sữa khép kín tại tỉnh Nghệ An…

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, việc đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo điều kiện để nông sản Việt Nam vươn ra thế giới. Đây là cơ sở chủ yếu đảm bảo cho thắng lợi của chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đưa nước ta vững bước trên con đường phát triển.

Minh Thụ

Các tin khác