Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201505/huong-ung-tuan-le-quoc-gia-nuoc-sach-nam-2015-hay-bao-ve-nguon-nuoc-truoc-khi-qua-muon-605974/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201505/huong-ung-tuan-le-quoc-gia-nuoc-sach-nam-2015-hay-bao-ve-nguon-nuoc-truoc-khi-qua-muon-605974/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hãy bảo vệ nguồn nước trước khi quá muộn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 05/05/2015, 15:30 [GMT+7]
Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch năm 2015

Hãy bảo vệ nguồn nước trước khi quá muộn

(Congannghean.vn)-Ai cũng biết rằng, nước rất quan trọng. Thiếu nước vài ngày, cuộc sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất bị ngừng trệ nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được giá trị của nguồn nước và tích cực bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này. Trong thời gian qua, biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ tới Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất là nhiệm vụ bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành.
 
Chưa bao giờ, những biểu hiện tác động của biến đổi khí hậu lại rõ rệt như thời gian qua. Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, việc khan hiếm nguồn nước đã ám ảnh bao người dân các tỉnh quanh năm chịu nhiều nắng gió. Mùa mưa kết thúc nhanh và mùa khô bắt đầu sớm đã khiến nước tại các sông suối, hồ đập cạn kiệt. 
Thời tiết khô hạn khiến mực nước tại nhiều hồ đập ở Nghệ An xuống thấp
Thời tiết khô hạn khiến mực nước tại nhiều hồ đập ở Nghệ An xuống thấp
Tại Nghệ An, mùa nắng nóng cũng đang bắt đầu, các cấp, ngành liên quan cũng đang xây dựng nhiều kế hoạch để đảm bảo nguồn tài nguyên nước. Phần lớn diện tích của tỉnh nằm trong lưu vực sông Cả. Theo nghiên cứu, sông Cả là sông quốc tế có diện tích lưu vực khoảng 27.370 km2, phần diện tích thuộc tỉnh Nghệ An là khoảng 14.130 km2, chiếm 85,7% diện tích của tỉnh và khoảng 51,6% diện tích toàn lưu vực. Trên địa bàn tỉnh, nông nghiệp là ngành khai thác, sử dụng nước nhiều nhất với khoảng 78,7% tổng lượng nước khai thác của các ngành kinh tế, tiếp đến là phục vụ nhu cầu sinh hoạt với 10,8%.
 
Hình thức khai thác nước chủ yếu là trạm bơm, hồ chứa, đập dâng; khai thác nước dưới đất chủ yếu bằng các hình thức giếng đào, giếng khoan hoặc tại các mạch lộ thiên. Theo đánh giá thuộc dự án “Lập nhiệm vụ quy hoạch lưu vực sông Cả”, nếu xét về tổng thể, tổng lượng nước cả năm bình quân đầu người trên lưu vực sông Cả đạt khoảng 7.581 m3/người/năm (thấp hơn bình quân cả nước 9.856 m3/người/năm). Ngoài lưu vực sông Cả, còn có một số lưu vực sông độc lập ven biển là sông Hoàng Mai, sông Thái, sông Hầu, sông Bùng, sông Cấm...
 
Hiện nay, ở các địa phương, việc khai thác, sử dụng nước tại vùng Diễn Châu - Yên Thành - Quỳnh Lưu và vùng Nam Đàn - Hưng Nguyên - Nghi Lộc, vùng thượng lưu, trung lưu khu vực dòng chính sông Cả đã chạm ngưỡng 40% so với tiềm năng nguồn nước (trung bình nhiều năm). Đặc biệt, vùng Nam Đàn - Hưng Nguyên - Nghi Lộc đã khai thác gần đến 50% tiềm năng nguồn nước. Theo tiêu chuẩn quốc tế, với mức khai thác trên 40% tiềm năng nguồn nước có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. 
 
Trong mùa khô, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước mới thực sự là điều đáng lo ngại trên địa bàn tỉnh. Số liệu tính toán sơ bộ ban đầu cho thấy, chỉ số khai thác trung bình trên toàn tỉnh đã chạm mốc chịu áp lực cao 40%, hai vùng thuộc khu giữa trung lưu và khu giữa hạ lưu đã ở mức 58% và 55%, vượt mốc chịu áp lực cao do thực tế vùng này đã phải chuyển nước cho vùng khác sử dụng.
 
Trong khi đó, khai thác nước dưới đất vùng ven biển nếu vượt quá trữ lượng cho phép dễ gây nguy cơ bị nhiễm mặn. Theo dự báo, nguồn nước và tình hình sử dụng nước cho mùa khô đến năm 2025 cho thấy bức tranh khốc liệt hơn nhiều nếu như nguồn nước mùa khô vẫn như hiện tại. Và càng khắc nghiệt hơn nếu không có thêm các công trình dự trữ nước hoặc không chuyển nước từ nơi khác tới.
 
Bên cạnh đó, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã sinh ra một lượng chất thải lớn khiến chất lượng nguồn nước cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự tăng nhanh về dân số, đời sống xã hội của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng.
 
Vừa qua, tại huyện Yên Thành, UBND tỉnh đã phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, trong đó, đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận  thức của người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường. Đồng thời, chú trọng nhân rộng những mô hình quản lý và sử dụng công trình cấp nước tập trung bền vững và hiệu quả, đa dạng các hình thức huy động cộng đồng bảo vệ nguồn nước, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
.

Mai Hậu

.