(Congannghean.vn)-Sau hơn 1 tháng tăng giá điện lên 7,5% bắt đầu từ ngày 16/3/2015, người dân và doanh nghiệp đã rất “sốc” khi nhận được hóa đơn thanh toán tiền điện. Chi phí tiêu thụ điện năng tăng chóng mặt, điều này đã tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời điểm chính thức áp dụng việc tăng giá điện, người dân bắt đầu có tâm lý dè chừng trong sử dụng các thiết bị điện. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đã cố gắng thay đổi thói quen sử dụng điện như: Lắp thiết bị tiết kiệm điện năng, thay đổi giờ giấc hoạt động để “né” giờ cao điểm theo quy định… Đó cũng là những động thái tích cực trong việc thực hiện chủ trương tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường mà các tổ chức, đoàn thể đã ban hành, khuyến cáo trong thời gian qua.
Tuy nhiên, sau thời điểm áp dụng tăng giá điện lên 7,5%, hầu hết người dân đã không thể tin vào mắt mình khi nhận hóa đơn thanh toán tiền điện tăng đột ngột lên tới vài chục phần trăm, thậm chí gấp đôi so với trước. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng hết sức hốt hoảng khi chi phí để trả cho ngành điện tăng đột biến, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của đơn vị cũng như giá thành sản phẩm.
Một người dân tá hỏa khi so sánh tiền điện trong tháng |
Chị Phạm Thị Hoa, chủ một nhà hàng trên đường Nguyễn Thái Học, TP Vinh cho biết: Trước khi tăng giá điện, nhà hàng chỉ phải trả cao nhất là 900.000 đồng tiền điện mỗi tháng. Thế nhưng, trong tháng 4 này, hóa đơn tiền điện báo về đã tăng lên gần 1,5 triệu đồng. Như vậy, chị Hoa đã phải trả tiền điện gần gấp đôi so với mức bình thường trước kia. “Nhà hàng chúng tôi phải sử dụng 2 tủ lạnh để bảo quản thực phẩm cho 4 mùa. Bởi vậy, bắt buộc phải tiêu thụ điện để duy trì hoạt động. Nhưng kể cả khi tăng giá điện thì giá cả của nhà hàng cũng không thể tăng. Chúng tôi buộc phải cắt giảm một số khoản chi tiêu trong sinh hoạt để dành đóng tiền điện”, chị Hoa cho biết thêm.
Cũng qua khảo sát nhiều hộ trên địa bàn TP Vinh có nhà trọ cho thuê tại các khu công nghiệp, trường học, vì giá điện tăng nên họ bắt buộc phải tăng giá thu tiền điện. Cụ thể, nếu trước kia chỉ thu 2.500 đồng/kWh thì nay tăng lên 3.500 đồng/kWh.
Được biết, việc áp dụng cách tính giá bán điện sinh hoạt bán lẻ cũng đã chia thành 6 bậc tăng dần từ ngày 1/6/2014. Có nghĩa là, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã áp dụng 6 bậc cho biểu giá tính giá điện tăng dần để hướng tới việc siết chặt tiết kiệm điện năng. Cụ thể, cách chia giá tính tiền điện tăng dần theo các bậc khác nhau như sau: Từ 0 - 50 Kwh chỉ bằng 92% mức giá bán lẻ bình quân, từ 51 - 100 Kwh bằng 95%, từ 101 - 200 kWh bằng 110%, từ 201 - 300 kWh bằng 138%, từ 301 - 400 kWh bằng 154%, trên 401 kWh bằng 159%.
Như vậy, tính từ ngày 16/3/2015, giá điện bình quân sau khi tăng 7,5% là 1.622,05 đồng/kWh đã được áp dụng. Hiện nay, EVN đang nghiên cứu để áp dụng tính giá điện theo khung giờ cho các cơ sở kinh doanh như sau: Giảm 5% so với hiện nay đối với giờ bình thường (4 giờ - 9 giờ 30 phút, 11 giờ 30 phút - 17 giờ, 20 giờ - 22 giờ từ thứ 2 đến thứ 7), giảm 3% đối với giờ thấp điểm (từ 22 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau) và 8% đối với giờ cao điểm (9 giờ 30 phút - 11 giờ 30 phút, 17 giờ - 20 giờ) cho cấp điện áp từ 6 - 22 kV, còn 9% đối với giờ cao điểm cho cấp điện áp dưới 6 kV. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu phương án áp dụng tính giá điện theo khung giờ thì doanh nghiệp tiêu thụ điện năng phải chịu “thiệt đơn, thiệt kép” là điều khó tránh khỏi.
Bà Đậu Thị Giang, Phó trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: Hiện nay, mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được tính toán theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 4.800 đồng, tiền điện tăng thêm bình quân mỗi hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 9.800 đồng, tỉ lệ tăng giá thành sản xuất đối với một số sản phẩm có mức tiêu thụ cao như sắt, thép, xi măng khoảng từ 0,07 - 0,66%. Còn việc thống kê số lượng điện tiêu thụ chênh lệch trước đó, phải chờ qua tháng 4 mới đưa ra được con số chính xác?!
.