(Congannghean.vn)-Cách cột mốc số 0 huyện Tân Kỳ chưa đầy 2 km, giữa bạt ngàn rừng núi, đất đá khô cằn, nhờ bàn tay lao động chăm chỉ và sự sáng tạo của con người dám nghĩ, dám làm, ý chí quyết tâm thoát nghèo, không chịu khuất phục trước khó khăn, ông đã cùng gia đình cải tạo, biến vùng đất Hố Nốc rộng trên chục ha thành trang trại mang lại hiệu quả kinh tế. Đó là tấm gương lao động đầy nghị lực của ông Lê Minh Hướng (60 tuổi) ở khối 2, thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ.
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Lê Minh Hướng vào một ngày cuối thu, khi tiết trời bắt đầu dịu mát. Ngôi nhà khá khang trang nằm cạnh Quốc lộ 15A ở khối 2, thị trấn Lạt là nơi cả ba thế hệ trong gia đình đang sinh sống. Rót chén nước mời khách, ông Hướng tâm sự: Sinh ra và lớn lên ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, là nơi có truyền thống về phong trào cách mạng. Từ năm 1968 - 1972, ông công tác tại Xí nghiệp Khai thác cơ giới I Quỳ Hợp, trực thuộc Lâm - Nông nghiệp Sông Hiếu. Qua một thời gian phấn đấu, ông được đơn vị cử đi học khóa đào tạo lái xe, sau đó trở lại đơn vị cũ tiếp tục làm việc.
Ông Lê Minh Hướng kiểm tra, phát tỉa rừng trồng gần 5 năm tuổi |
Vào những năm 80, do yêu cầu công việc, Bộ Lâm nghiệp (trước năm 1976 là Tổng cục Lâm nghiệp) có chủ trương vận động để thành lập Công ty Liên doanh Lâm nghiệp Việt - Lào tại Đông Hà (Quảng Trị), ông được cử đến tỉnh Xavannakhet của nước bạn Lào làm Đội trưởng Đội xe (trực thuộc Binh đoàn Vận tải) có nhiệm vụ điều động xe tham gia cứu trợ, cứu nạn. Với thời gian đóng quân ở Lào từ mùa mưa, sau đó trở về Quảng Trị, đến mùa khô ông lại quay về đơn vị cũ tại Lâm trường.
Năm 1992, qua các mối quan hệ và anh em họ hàng, vợ chồng ông Hướng chọn mảnh đất Tân Kỳ làm nơi lập nghiệp. Khi cuộc sống trên quê mới bước vào ổn định, với bản tính “hay lam hay làm”, trong khi “máu” của nghiệp cầm lái chưa từ bỏ, ông Hướng bàn với vợ con sắm chiếc xe để nhận chuyên chở nguyên, vật liệu cho Lâm trường huyện Tân Kỳ.
Gần mười năm sau, khi con cái đã trưởng thành, ông Hướng quyết định trở về phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong một lần đi núi, thấy vùng chân núi Hố Nốc, nơi hậu cứ của Huyện đội Tân Kỳ năm xưa có tiềm năng phát triển kinh tế nhưng lại bị bỏ hoang, ông về thuyết phục gia đình và quyết tâm lên núi lập nghiệp. Nói là làm, ông Hướng đã đi đến một quyết định táo bạo khi dám đặt vấn đề với cơ quan chức năng nhận “thầu” số diện tích đất hơn 10 ha để khai hoang trồng rừng với cơ chế theo hợp đồng, một bên cho thuê đất, một bên khai thác, trồng, chăm sóc rừng.
Là người từng trải, mang nhiều nỗi trăn trở và những khát vọng làm giàu, ngày lại ngày, khi tiếng gà chưa gáy sáng, ông một mình cuốc bộ, lăn lộn đến đỉnh Hố Nốc để phát, dọn, khai hoang, đào hố. Khu đất rừng rậm rạp toàn cây hoang dại ngày nào, chỉ sau 2 tháng bằng sức lao động của ông và các nhân công khác nay đã hiển hiện trước mắt. Vượt qua những khó khăn trong suốt thời gian qua, với số vốn ban đầu bỏ ra gần 70 triệu đồng sử dụng vào việc thuê nhân công, ông cùng lao động địa phương và sự giúp sức của các thành viên trong gia đình đào đất, phá đá, dẫn nước từ khe núi về, từng bước tìm ra những giống cây trồng phù hợp với đồng đất, khí hậu nơi đây. Gần 4 vạn cây keo giống do chính bàn tay ông vỡ hố rồi tự trồng, hứa hẹn cho nhiều thành quả.
Thấm thoắt đã gần 5 năm kể từ ngày ông Hướng “rời phố”, xa vợ con cả tháng trời để lên núi với cuộc sống “tự cung, tự cấp”, đơn độc ở chốn rừng thiêng chinh phục thiên nhiên. Đất không phụ công người, từ khu đất hoang hơn 5.000 m2 đã hình thành một rừng keo. Đôi bàn chân chai sần của người nông dân Lê Minh Hướng cứ thoăn thoắt đạp lên đá núi lởm chởm, sắc lẹm đưa chúng tôi về phía rừng keo của gia đình nằm sâu trong núi.
Đến nay, đồi keo trên đỉnh Hố Nốc đã trồng được khoảng hơn 10 ha. Cứ thế ngày qua ngày, những khu đất núi đá khô cằn đã hồi sinh, khoác lên mình màu xanh cây cối, màu của sự sinh sôi, phát triển. Nhìn dãy đồi keo được chăm sóc, cắt tỉa thẳng hàng, khi đứng bên này có thể nhìn rõ hàng cây ở cuối đỉnh núi mà cảm phục nghị lực của người đàn ông vốn chỉ quen với chiếc vô-lăng xe năm nào.
.