Một trong những thông tin gần đây thu hút sự quan tâm của xã hội là việc Bộ Công Thương lần đầu tiên công khai mức thu nhập của 120 lãnh đạo thuộc 11 Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước do bộ này quản lý trong năm 2013. Từ mức lương được công bố, đã có nhiều ý kiến khác nhau.
Theo đó, mức lương dao động từ 40 đến trên 70 triệu đồng/người/tháng.
Mức lương này được tính dựa trên Nghị định 51/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý doanh nghiệp… Sau khi các mức lương này được công bố, nhiều người tỏ ra khá bất ngờ với việc Bộ Công Thương công bố rộng rãi thông tin vốn được coi là "rất nhạy cảm" và cho rằng, nó phần nào thể hiện tính minh bạch. Nhiều người đồng tình với mức lương này vì cho rằng, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, trách nhiệm nặng nề, nếu làm tốt công việc được giao thì hưởng mức lương cao là đúng rồi.
Theo mức lương được công bố, chúng ta thấy rằng, mức lương này đã giảm so với trước đây khi chưa có Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, với mức lương này, không ít lần lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước “ca thán” rằng, quy định mức lương như vậy là quá “cứng nhắc”. Thậm chí còn nêu ra, lương hơn 400 triệu đồng/năm chưa đủ tạo ra động lực để lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty cống hiến cho doanh nghiệp và tiền lương của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đang “lạc nhịp” với tình hình thị trường...
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, có một số người cho rằng, mức lương như quy định hiện hành cho các "ông lớn" là "trên trời" so với mặt bằng lương của người lao động thì tại một hội nghị về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, "thủ lĩnh" của một ngân hàng cho rằng, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty rất “khó sống” với mức lương tối đa được quy định theo pháp luật hiện hành.
Trao đổi với báo giới liên quan vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cho biết, “Có một giám đốc tập đoàn từng chia sẻ với tôi rằng, mức 36 triệu đồng thì không đủ sống nhưng tôi đặt vấn đề lại rằng không đủ sống nhưng ai cũng muốn làm chức đó…”. Ông Doanh còn cho rằng: “Họ nói không thể sống được với mức lương ấy là vì họ không quen sống với mức lương mà phần lớn người trong xã hội “nằm mơ cũng không thấy” mà thôi”.
Thu nhập không chỉ có lương “cứng”, thực tế còn cao hơn rất nhiều so với lương mà họ được nhận trên giấy tờ. Lương thì khó giấu chứ “tiền bỏ túi” đố ai biết được. Vậy nên công khai nhưng vẫn không minh bạch được.
Nếu nghĩ sâu xa thì quả thật là chua xót nhưng đúng với thực tế đang tồn tại hiện nay. Vì theo các chuyên gia, “kêu” là thế, nhưng thực tế thu nhập mà lãnh đạo các tập đoàn lĩnh có thể còn cao hơn hàng chục lần. Bởi đối với các lãnh đạo, lương mới chỉ là phần nổi mà thôi. Thu nhập ngoài lương mới phong phú, đa dạng, biến hóa.
Cho nên chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã khẳng định như "đinh đóng cột" rằng: “Tôi tin, kể cả khi hạ lương “cứng” của họ xuống 10 - 20 triệu đồng/tháng thì cũng sẽ không có ông giám đốc tập đoàn nào xin từ chức đi làm việc khác để có mức lương xứng đáng hơn!. Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét cách tính lương của ta đang có vấn đề?.
Lương mới chỉ là phần nổi...
.