Lãi suất tiết kiệm và giá vàng đang cùng nhau giảm sâu, trong khi USD và chứng khoán “tăng nhiệt”, thị trường bất động sản đang “ấm” dần. Vậy nếu có tiền nhàn rỗi, nên đầu tư vào đâu để có thể sinh lãi?
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang ngày càng giảm sâu, mặc cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn “ghim” trần ở mức 6%, nhưng tại nhiều nhà băng, lãi suất kỳ gửi ngắn hạn thậm chí chỉ còn 4,5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng khiến không ít người dân “rầu lòng” muốn tìm kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, tìm địa chỉ mới cho dòng tiết kiệm không hề đơn giản.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng, trong thời điểm hiện nay, câu chuyện bỏ tiền vào đâu để có thể sinh lãi đang khiến nhiều nhà đầu tư đau đầu. Để giải bài toán này, mỗi nhà đầu tư phải xác định rõ tiềm lực của chính mình từ đó tìm cho mình chiến lược thích hợp.
Theo TS Lực, với lãi suất tiền gửi hiện nay, nếu nhìn nhận theo kỳ vọng lạm phát, nó vẫn thực dương. “Theo dự báo của chúng tôi, lạm phát khoảng 5%, nếu duy trì lãi suất tiền gửi là 6%, thì đâu đó, thực dương vẫn có. Và nếu kỳ hạn dài 1-2 năm, lãi suất là 7% thì còn thực dương hơn. Còn lãi suất 6-7% gửi 12 tháng khá phù hợp, và là nguồn thu nhập ổn định. Tất nhiên hiện nay, thị trường bất động sản và chứng khoán đang có dấu hiệu ấm lên, nên người có tiền có thể đa dạng hóa kênh đầu tư: 1 phần sang bất động sản, 1 phần vào chứng khoán, kiểu bỏ trứng vào nhiều giỏ và nó là cách đầu tư hết sức bình thường. Tất nhiên, khi đầu tư vào 2 kênh kia, phải chấp nhận có rủi ro hơn, cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Đầu tư vào 2 thị trường này, ngoài thời gian dành cho nó, còn cần cả trình độ chuyên môn, có đủ lực để phân tích thị trường hay không. Nếu được, thì đây là cách đầu tư rất tốt”, ông Lực khuyến nghị.
Gửi tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn |
Quay trở lại kênh gửi tiết kiệm, TS Lực cho rằng, ngân hàng vẫn luôn là kênh đầu tư an toàn và nó đảm bảo mức độ lợi nhuận, thu nhập dương nhất định đối với người dân, đặc biệt là với các cụ hưu trí có tiền nhàn rỗi, thì nó khá thuận lợi. Còn về vàng, hiện nay dù kim loại quý này đang giảm sâu, nhưng TS Lực cho rằng nó không phải là kênh đầu tư lâu dài, mà chỉ là chỗ trú ẩn an toàn. Hiện nay, NHNN đã khống chế không cho đầu tư vào vàng, và biến quan hệ vay trả vàng trước đây sang quan hệ mua bán vàng. Hơn nữa, cơ quan này cũng quản lý vàng rất chặt, nên cơ hội đầu cơ không còn. Bên cạnh đó, muốn đầu tư vào vàng, phải trường vốn, phải dự báo được các tình huống, chính sách, và điều này thì không hề dễ dàng với các nhà đầu tư nhỏ lẻ như người dân, nên kênh này không hiệu quả. Bởi vậy, nếu muốn “nhảy” vào vàng, ngoài việc coi nó như là kênh trú ẩn an toàn, và cũng là truyền thống văn hóa như hồi môn, thừa kế, thì cần cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn mạo hiểm.
Cùng chung quan điểm người có tiền có thể đa dạng hóa kênh đầu tư của mình, song một chuyên gia kinh tế khác - TS Nguyễn Trí Hiếu lại không mấy lạc quan về các kênh đầu tư này. Ông Hiếu phân tích, giá vàng thế giới hiện đã giảm sâu và có thể tăng thời gian tới nhưng không có nghĩa là đầu tư vàng tại Việt Nam có thể kiếm lời. Bởi thứ nhất, giá vàng biến động rất khó lường. Thứ hai, thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường vàng thế giới. Thứ ba, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện đang rất cao, trên 4 triệu đồng/lượng. Với những yếu tố này, dù giá vàng thế giới tăng, người đầu tư vàng vẫn có thể thua lỗ như thường, chưa kể, thị trường vàng trong nước lâu nay không có sóng nên vàng không còn hấp dẫn.
Tương tự, với USD, TS Hiếu cho rằng, dù đồng USD có khả năng tăng giá trên thế giới, song ở nước ta, Chính phủ chủ trương giữ ổn định tỷ giá, cho nên, mua USD để đầu tư có thể không lỗ, song khả năng sinh lời là không cao. Còn với chứng khoán, mặc dù được coi là kênh đầu tư khả dĩ nhất hiện nay song lại “kén” nhà đầu tư, đòi hỏi những người chuyên nghiệp, nếu không khả năng thua lỗ là rất lớn. “Bất động sản trầm lắng, vàng, USD không có sóng, chứng khoán tuy hấp dẫn hơn nhưng không phải là kênh đầu tư phổ thông. Vì vậy, dòng tiền vẫn chủ yếu sẽ đổ vào ngân hàng, dù lãi suất có giảm thêm. Thực tế, với lãi suất huy động hiện nay, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương”, TS Hiếu nhận xét.
Thực tế, dòng tiền vào các nhà băng hiện nay cũng không hề giảm sút dù lãi suất liên tục hạ, thậm chí còn có thêm nhiều khách hàng mới. Tuy nhiên, khách hàng có xu hướng chuyển từ gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn 1-2 tháng, sang kỳ hạn dài hơn từ 6-12 tháng để hưởng lãi suất tiết kiệm cao. Theo các ngân hàng thương mại, hiện nay, tình trạng chạy đua tăng lãi suất để “câu” tiền gửi tiết kiệm không còn. Trong khi đó, đại diện nhiều công ty chứng khoán cũng nhận định, với tốc độ tăng trưởng lạc quan của thị trường như hiện nay, khả năng thời gian tới sẽ có một lượng nhỏ tiền tiết kiệm chuyển sang kênh chứng khoán…
.