Kinh tế xã hội
"Đi đâu cũng phải có phong bì thì công việc mới trôi chảy được"?
08:18, 28/10/2014 (GMT+7)
Tình trạng tham nhũng "vặt", tiêu cực trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công... vẫn đang diễn ra khá phổ biến, hàng ngày, hàng giờ, len lỏi vào hoạt động của nhiều ngành, nhiều địa phương...
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2014 của Chính phủ đã chỉ ra: Vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức suy thoái đạo đức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, tham nhũng; tình trạng vòi vĩnh, nhận hối lộ vẫn diễn ra, trong đó có cả cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật; người dân vẫn mang nặng tâm lý đưa hối lộ để nhanh được việc. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2014 cũng đánh giá “tình trạng tham nhũng vặt trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, các hành vi tiêu cực để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn diễn ra khá phổ biến”.
Tại diễn đàn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ nhiệm HĐND TP Hồ Chí Minh khi nhắc đến tình trạng tham nhũng “vặt” cho rằng không thể coi tham nhũng vặt là nhỏ. “Tham nhũng vặt dù gọi là nhỏ nhưng đánh vào suy nghĩ của người dân khi quan hệ với cán bộ công chức, chính quyền từ cơ sở đi lên”, ĐB Tâm nêu ý kiến.
Qua tiếp xúc cử tri, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn chỉ ra: "Các đồng chí cứ thử xuống gặp dân mà xem, 10 người dân mà tôi gặp thì 7 - 8 người nói bức xúc vấn đề này. Đi đâu phải có phong bì thì công việc mới trôi chảy được".
Bức xúc tình trạng tham nhũng vặt không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng Trần Ngọc Vinh phản ánh, tình trạng này xảy ra nhiều nhất là các cấp công quyền ở cấp cơ sở. Theo ĐB Trần Ngọc Vinh, nhìn từng vụ, hậu quả không lớn, nhưng nếu cộng cả nước, cả bộ máy nhà nước thì vô cùng lớn.
Tham nhũng "vặt" diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công - Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua chưa mang hiệu quả thiết thực là do mất lòng tin của dân. Nói như ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): “Lòng dân không yên, đi đâu cũng phải chi tiền, không lấy lại được lòng tin của người dân thì rất khó chống tham nhũng”.
Theo kết quả khảo sát và công bố chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2013 thì tham nhũng "vặt” ở khắp nơi. Theo đó, 42% người dân cho rằng vẫn phải hối lộ khi đi khám, chữa bệnh ở tuyến huyện, 42% cho rằng có tiêu cực khi xin việc vào cơ quan nhà nước, 30% nói rằng có tham nhũng khi làm thủ tục liên quan đến giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất... Trên thực tế con số này có thể lớn hơn rất nhiều vì còn rất nhiều người chưa được khảo sát hoặc không muốn trả lời.
Tuy nhiên, thực trạng bức xúc là vậy nhưng người dân cũng không dám khiếu nại hay tố cáo vì sợ “hỏng việc”, “chẳng phải đầu cũng phải tai”. Tham nhũng dường như đã thành thói quen, như hoạt động hàng ngày. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả không cao, chỉ phát hiện rất ít so với thực tế; thậm chí vẫn còn tình trạng bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý...
Ở đây, có thể thấy trong các thủ tục hành chính nói là công khai nhưng vẫn thiếu sự minh bạch, vẫn còn có những ngõ ngách; “một cửa nhưng nhiều khóa” để cán bộ, công chức suy thoái đạo đức có điều kiện nhũng nhiễu nhân dân.
Vấn đề quan trọng là phải xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế pháp lý chặt chẽ, bịt kín những gì là nguyên nhân, điều kiện để tham nhũng. Mặt khác, cần phải có cơ chế sàng lọc cán bộ, xử lý nghiêm khi công chức có sai phạm, song cũng phải có chính sách lương để cán bộ, công chức đảm bảo cuộc sống.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn cả vẫn là ý thức con người. Bởi các quy định pháp luật dù hoàn hảo đến đâu nhưng người thực thi pháp luật tâm không trong sáng, không có tinh thần, ý thức, trách nhiệm, thì vẫn cố tìm cách lợi dụng để vi phạm pháp luật và trục lợi.
Trong thời gian tới, tình trạng tham nhũng “vặt” không được cải thiện thì đây cũng sẽ là một vấn đề lớn, bởi nhiều giá trị trong xã hội sẽ bị lệch lạc, bị chi phối bởi thước đo của đồng tiền hay sự thân quen. Nếu chúng ta giải quyết được rốt ráo vấn nạn này thì vừa tạo lòng tin trong nhân dân, vừa ngăn chặn được những vụ tham nhũng lớn.
Nguồn: dangcongsan.vn