Kinh tế xã hội
Đào tạo nghề chất lượng cao
Những vấn đề cần tháo gỡ
14:59, 25/10/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-“Phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh giai đoạn 2014 - 2020” là một trong 2 đề án của Nghệ An được chọn để xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đây là Đề án đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên, thực trạng đào tạo nghề chất lượng cao hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập mà quá trình triển khai Đề án cần chú trọng giải quyết nhằm hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Quan tâm đầu tư nhưng vẫn tồn đọng khó khăn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp và 64 cơ sở dạy nghề. Trong đó, cơ sở vật chất của các trường cao đẳng và trung cấp nghề đều được tỉnh bố trí tăng thêm diện tích đất, kinh phí, đảm bảo mở rộng quy mô, nâng cao năng lực, đạt chuẩn quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Tổng diện tích đất sử dụng của các cơ sở đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề của tỉnh chiếm 410.718 m2, kinh phí cho đào tạo nghề tại các cơ sở đào tạo công lập chiếm 5,6 tỉ đồng.
Hợp tác quốc tế sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nghề |
Theo Đề án trên, giai đoạn 2014 - 2020 sẽ giữ nguyên số lượng cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2015, phấn đấu 75% và đến 2020, phấn đấu 95% số trường dạy nghề được trang bị đồng bộ các thiết bị công nghệ mới phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc là một trong số các trường sớm triển khai Đề án “Phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh giai đoạn 2014 - 2020”. Đây là một trong số ít trường đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề trình độ cao, bước đầu đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sử dụng lao động kỹ thuật ngoại tỉnh, xuất khẩu lao động. Hiện, Trường đã và đang huy động được nguồn kinh phí từ Trung ương, địa phương, Chính phủ Hàn Quốc với trên 125 tỉ đồng để đầu tư xây dựng, mua sắm trang, thiết bị và chuẩn hoá đội ngũ giáo viên.
Trên thực tế, số lượng cơ sở có những điều kiện thuận lợi, đáp ứng yêu cầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc vẫn còn khá hạn chế. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo của các trường, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động trong giai đoạn mới.
Theo tổng hợp của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, trong kỳ thi tuyển sinh năm 2013 - 2014 có nhiều trường nghề, nhiều khoa không tuyển đủ chỉ tiêu. Cụ thể như: Nghề cắt gọt kim loại (Trường Cao đẳng nghề số 4), nghề kế toán doanh nghiệp (Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc). Hay một số nghề ở những trường trực thuộc huyện như: Nghề kỹ thuật máy nông nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (Trường Trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật Đô Lương)… Cá biệt có những trường, trung tâm có từ 3 - 4 ngành nghề không tuyển được học sinh nào như Trường Trung cấp nghề chuyên nghiệp Việt - Úc.
Theo bà Hồ Thị Châu Loan, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, sở dĩ việc tuyển sinh ở các trường nghề khó khăn bởi: Một bộ phận người học chưa thực sự quan tâm đến học nghề, thường chọn những công việc nhẹ nhàng như văn phòng mà ít chọn nghề về kỹ thuật nặng nhọc. Một số trường nghề chất lượng đào tạo chưa cao, giáo viên còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chương trình đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá về công nghệ, kỹ thuật.
Như vậy, điều đáng lưu tâm là tuy các trường nghề là sự lựa chọn thích hợp cho những học sinh mà việc thi vào các trường đại học, cao đẳng nằm ngoài tầm tay thì đại bộ phận này vẫn còn chưa mặn mà với việc học nghề. Điều này xuất phát từ tâm lý “nhất định phải vào đại học” của đa số học sinh và các bậc phụ huynh. Bởi vậy, mặc dù hiện nay, nhiều trường nghề đang nỗ lực đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo viên, chuẩn hóa chương trình nhưng công tác tuyển sinh luôn là một vấn đề phải trăn trở.
Đẩy mạnh đầu tư, hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề
Như đã nói ở trên, hai nguyên nhân lớn dẫn đến khó khăn trong đào tạo nghề chất lượng cao là bất cập trong công tác tuyển sinh và yếu kém về trang thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Cần phải nhìn nhận rằng, trong số nhiều giải pháp cần thực hiện để đạt được các mục tiêu đào tạo nghề đến năm 2020, việc tăng cường đầu tư và hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được hai vướng mắc trên.
Trên thực tế, việc tranh thủ sự đầu tư, hợp tác của các cơ quan hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề một mặt sẽ giúp các trường nghề tranh thủ vốn đầu tư để cải thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, mặt khác sẽ hình thành môi trường đào tạo theo chuẩn quốc tế, từ đó tạo sức hút lớn với người học. Bởi vậy, việc mở rộng hơn nữa sự liên kết hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề là một “lực đẩy” mạnh mẽ và hứa hẹn sẽ mang lại những chuyển biến tích cực.
Theo các chuyên gia, việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015 sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước. Thiết nghĩ, việc đào tạo các ngành nghề mũi nhọn, gắn kết chặt chẽ với hợp tác quốc tế nên được chú trọng đúng mức để phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trở thành 1 trong 3 khâu đột phá, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.
Hồng Hạnh