Kinh tế xã hội

Bao giờ rừng xanh hết 'chảy máu' dược liệu

14:40, 22/10/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Trong mấy năm trở lại đây, nhiều khu rừng tại các huyện miền Tây Nghệ An đang bị người dân tàn phá để tận thu dược liệu đem bán. Tình trạng trên diễn ra tràn lan dẫn đến mất cân bằng sinh thái, “chảy máu” dược liệu, gây ra nhiều hệ lụy đau lòng.

Dược liệu quý bị triệt hạ vô tội vạ

Còn nhớ những năm trước, các thương lái Trung Quốc thu mua một số loại dược liệu khá quen thuộc với giá rất “bèo” như hạt sa nhân, tuyết nhung, sâm rừng... khiến cho những cánh rừng ở các huyện miền núi Nghệ An bị triệt hạ, bởi hàng ngày, có hàng nghìn lượt người vào rừng khai thác các loại dược liệu này đem bán.

Sự đa dạng về hệ sinh thái thực vật cứ thế giảm dần theo mùa vụ mà thương lái Trung Quốc sang thu mua. Sau khi các loại dược liệu này cạn kiệt dần, những năm gần đây, thương lái Trung Quốc lại chuyển sang thu mua nhiều loại mới với chủng loại ngày càng đa dạng.

Rong ruổi trên những bản làng vùng cao của miền Tây xứ Nghệ, tại hầu khắp các huyện miền núi như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong..., ở đâu người dân cũng vào rừng tìm dược liệu để bán. Tuy nhiên, người dân trực tiếp đi khai thác cũng như thương lái người bản địa đều không hiểu người ta thu mua các loại cây dược liệu này với mục đích gì. Chỉ biết chung chung là mua về làm thuốc, còn giá trị của nó thì ít ai biết được.

1899 up.zip
Dược liệu được tập kết và phơi khắp nơi ngay tại TX Thái Hòa

Anh Vi Văn Xuân, một chủ thu mua lá cây chua ke ở xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu cho biết: “Tôi nhận làm đại lý thu mua dược liệu cho một người tên Bắc ở Quảng Ninh. Khoảng 2 tuần, anh Bắc cho người đưa xe ôtô tải vào gom hàng. Chủng loại hàng trước đây khá đa dạng nhưng nay đã cạn kiệt. Thời gian gần đây, họ lại yêu cầu thu mua lá cây chua ke và quả mây, nhưng tôi cũng không hiểu họ mua làm gì?”.

Ông Lô Văn Quân trú tại xã Quang Phong, huyện Quế Phong, một trong những người sống chủ yếu bằng nghề rừng, cho hay: “Mỗi ngày, gia đình tôi với 4 lao động chính vào rừng từ sáng sớm để hái lá chua ke. Loại này là cây thân gỗ nên để hái được, chúng tôi thường chặt tận gốc xong mới hái. Khi họ mới thu mua, mỗi ngày gia đình tôi hái được hàng tạ, với giá tươi 3.000 đồng/kg thì mỗi ngày kiếm được cả triệu đồng”.

Được biết, những người dân “săn” dược liệu lúc đầu chủ yếu vào các cánh rừng sản xuất hay khu đệm của rừng phòng hộ, vườn quốc gia. Thế nhưng, càng ngày nguồn cây dược liệu càng cạn kiệt, nên họ lấn vào tận vùng lõi của các rừng phòng hộ, thậm chí là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên để phá rừng tìm dược liệu.

Vì thế, ngoài nguồn dược liệu ở các khu rừng cấm bị khai thác vô tội vạ thì một số lượng lớn cây thân gỗ, cây rừng... cũng bị tàn phá theo. Những vùng rừng đặc dụng như Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt... đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi nạn khai thác dược liệu trái phép.

Khó xử lý do chế tài chưa đủ mạnh?

Theo tìm hiểu của P.V, trước đây việc quản lý, cấp phép cho người dân khai thác các loại lâm sản phụ (trong đó có dược liệu) thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện nên số lượng người đi khai thác dược liệu không nhiều. Nhưng từ khi Thông tư số 35 (ngày 20/5/2011) của Bộ NN&PTNT có hiệu lực, việc cấp phép khai thác dược liệu thuộc về UBND cấp xã với cơ chế thông thoáng hơn.

TIN LIÊN QUAN

Người dân chỉ cần lập bản dự kiến sản phẩm khai thác, bản đăng ký khai thác lâm sản phụ rồi nộp về UBND xã. Sau đó, UBND xã sẽ rà soát. Nếu các loại lâm sản phụ này không thuộc danh mục cấm khai thác, UBND xã phải cấp phép cho người dân vào rừng khai thác.

Tuy nhiên, người dân vẫn quen khai thác tự do, mạnh ai nấy làm chứ hầu hết không hề xin ý kiến của cơ quan chức năng. Đặc biệt, hiện nay ngành chức năng chưa có chế tài xử phạt và cách quản lý hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng bà con khai thác dược liệu quá mức, tận thu, tận diệt, ảnh hưởng đến an ninh rừng tự nhiên.

Ông Lê Xuân Đình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu cho biết: “Hiện nay, việc khai thác lâm sản phụ, trong đó có dược liệu diễn ra ở hầu khắp các xã của huyện, nhiều nhất phải kể đến các xã vùng trong như: Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm, Châu Nga... Việc khai thác ồ ạt quá mức đã khiến cho nhiều loại dược liệu trở nên cạn kiệt. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng trên là vấn đề hết sức khó khăn đối với ngành chức năng”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Cao Bính, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: “Muốn xử lý nạn khai thác lâm sản phụ đang diễn ra tràn lan ở các huyện miền núi như hiện nay phải chờ nghị định mới ra đời, khi đó mới có thể xử lý. Còn Nghị định 99 ngày 2/11/2009 trước đây (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản - P.V) không có chế tài để xử phạt nạn khai thác lâm sản phụ.

Hơn nữa, đặc thù của người dân miền núi là sống dựa vào rừng, nên muốn họ không vào rừng khai thác lâm sản phụ cũng như lâm sản trái phép cần phải có sự vào cuộc quyết liệt từ các ngành, các cấp. Trong đó, đặc biệt là tạo công ăn việc làm tại chỗ ổn định cho bà con”.

Chứng kiến tình trạng khai thác dược liệu ồ ạt rồi đem bán thô với giá rẻ mạt, không ít người đã vô cùng xót xa, tiếc nuối. Để hạn chế và ngăn chặn tình trạng trên đang là một bài toán quá khó. Và, để rừng xanh không bị “chảy máu” các loại dược liệu quý, các cấp ban, ngành cần có giải pháp bảo tồn khẩn cấp, trước mắt cần ngăn chặn nạn khai thác lâm sản phụ ồ ạt, vô tội vạ của người dân như hiện nay.

Ngọc Thái

Các tin khác