Kinh tế xã hội

Cần kiên quyết trong xử lý vi phạm an toàn hành lang đê điều

08:09, 21/10/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Gỗ tròn, gỗ bê xếp nằm dài ngổn ngang; gạch, ngói, vật liệu xây dựng, tre, nứa, mét... tập kết thành từng đống cao nằm trên các thân đê... Đó là những hình ảnh chúng tôi ghi lại được về vi phạm hành lang đê điều diễn ra từ lâu nay trên tuyến đê Tả Lam.
 
Vi phạm hành lang đê điều không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của các tuyến đê, tiềm ẩn nguy cơ sụt, sạt, hư hỏng bờ sông, làm giảm khả năng phòng chống mưa lũ, mà còn tác động đến an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê. Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, chủ động ứng phó các tình huống trong mùa mưa bão năm 2014, cùng với các giải pháp, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần sớm kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
 
Vi phạm phổ biến
 
Với chiều dài của tuyến đê đi qua địa bàn trên 13 km, từ xã Vân Diên đến xã Xuân Lâm, tại huyện Nam Đàn, tình trạng vi phạm hành lang đê điều diễn ra khá phổ biến, tập trung nhiều tại các xã Hồng Long, Xuân Lâm và thị trấn. Suốt dọc tuyến, gạch ngói, vật liệu xây dựng được tập kết thành hàng dài trên mặt đê. Đáng chú ý hơn cả là tại khối Tây Hồ, thị trấn Nam Đàn, nơi cách cơ quan chuyên quản về đê điều là Hạt Chuyên trách quản lý đê điều huyện Nam Đàn chưa đầy 50 m, người dân ngang nhiên tập kết gỗ trên đê, mặc dù cách đó không xa đã được dựng biển “Bảng quy định đê điều”, gây bất bình cho nhân dân mỗi khi đi qua.
 
Thế nhưng, điều ngạc nhiên là khi chúng tôi đem vấn đề trên trao đổi với ông Lê Đại Việt, Phó Hạt trưởng lại nhận được câu trả lời: Ở Nam Đàn không có trường hợp nào vi phạm hành lang đê, các địa điểm đó (như PV phản ánh) là họ chỉ để tạm ít ngày!?. Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn đã thừa nhận, tình trạng vi phạm đê điều trên địa bàn tập trung chủ yếu ở làng nghề mộc ở khối Tây Hồ. Nhưng để xử lý dứt điểm cũng rất khó, bởi đây là nghề mưu sinh của họ từ lâu nay. Địa phương đang khảo sát, bố trí địa điểm cho họ tập kết nhưng chưa biết đến lúc nào mới có.
 
Không chỉ ở huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, trên dọc tuyến đê Tả Lam đi qua các huyện Đô Lương, Thanh Chương, tình trạng vi phạm lấn chiếm để xây dựng nhà trái phép và tập kết nguyên vật liệu trên mặt đê để kinh doanh còn phổ biến. Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và PCLB tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm hành lang đê điều tồn tại kéo dài trong nhiều năm nay, chủ yếu là do một số tuyến đê đi qua các khu dân cư người dân có nhu cầu cơi nới, sửa chữa nhà; việc khai thác khoáng sản, đất đá, cát, sỏi phục vụ xây dựng các công trình còn diễn ra thiếu kiểm soát.
 
Công ty Khai thác khoảng sản Bắc Sơn, xã Hưng Xuân (Hưng Nguyên) tập kết quặng lấn chiếm cao bằng mặt đê
Công ty Khai thác khoảng sản Bắc Sơn, xã Hưng Xuân (Hưng Nguyên) tập kết quặng lấn chiếm cao bằng mặt đê
 
Trong khi đó, việc phát hiện, lập biên bản ngăn chặn vi phạm của lực lượng chuyên quản lý đê và các địa phương chưa kịp thời, chưa đủ sức thuyết phục, răn đe để các trường hợp còn tái phạm. Ngoài ra, một số địa phương thiếu kiên quyết, lúng túng trong phân cấp quản lý giữa các hạt và các xã, thị, dẫn đến chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để xử lý các vi phạm, tạo điều kiện gián tiếp cho các hành vi vi phạm Luật Đê điều.
 
Khó xử lý triệt để
 
Mặc dù tình trạng vi phạm hành lang đê điều diễn ra phổ biến và kéo dài trong nhiều năm nhưng sự vào cuộc của các cấp, ngành và chính quyền các địa phương còn bị xem nhẹ. Khi đề cập đến giải pháp khắc phục tình trạng trên, ở mỗi địa phương lại có những giải thích trái chiều, thể hiện sự thiếu trách nhiệm. Theo ông Lê Đình Sáu. Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Đô Lương, bên cạnh những vi phạm “do lịch sử để lại”, người dân xây dựng nhà cửa, công trình và vật kiến trúc trước khi Luật Đê điều được ban hành (tức là có trước năm 2006). Bởi thực tế dân ở trước, đê có sau, đất ở của các hộ gia đình có giấy đăng ký quyền sử dụng đất nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều.
 
Cùng với đó, trong quá trình sửa chữa, nâng cấp các tuyến đê đã sử dụng hết hành lang bảo vệ đê, kinh phí giải phóng đền bù khó khăn nên chưa giải phóng được hành lang bảo vệ đê mới. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan để thấy được nguyên nhân của những vi phạm liên quan đến đê điều chậm được phát hiện, xử lý là bất cập trong công tác quản lý Nhà nước.
 
Tuyến đê Tả Lam có chiều dài trên 68 km, chạy qua 5 huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương và Nghi Lộc. Khó khăn lớn nhất để giải quyết các trường hợp vi phạm là do lịch sử để lại, tức là họ xây dựng trước khi Luật Đê điều có hiệu lực. Giải pháp hiện nay để tránh tái diễn là Chi cục đang xin bổ sung nguồn kinh phí để cắm mốc chỉ giới hành lang quản lý đê, vừa để người dân biết tránh vi phạm, vừa có cơ sở để đền bù đất khi có chủ trương giải phóng hành lang.
 
“Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở trong việc phát hiện, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, góp phần đảm bảo an toàn các tuyến đê. Trước mắt, Chi cục đang trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương thành lập bộ phận quản lý Nhà nước về lĩnh vực này đó là Phòng Thanh tra. Khi đó, chế tài xử phạt để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm được cụ thể về trách nhiệm, tránh tình trạng lâu nay việc xử phạt còn phụ thuộc vào địa phương nên khó xử lý triệt để”, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết thêm.
 

Xuân Thống

Các tin khác