Kinh tế xã hội
Tin vui từ 'nỗi đau' của Bộ trưởng
Từ “nỗi đau” của Bộ trưởng Cao Đức Phát, chúng ta có thể thấy những tín hiệu rõ ràng về quyết tâm đổi mới, cải cách theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp nông nghiệp ngày 15/10, “vị Tư lệnh” ngành Nông nghiệp đã cho biết ông “rất đau” khi nghe thông tin một giống lúa nhập khẩu có chất lượng kém hơn các loại giống của Viện lúa ĐBSCL nhưng lại bán với giá cao hơn.
Ông cũng thừa nhận, “100 tỷ của doanh nghiệp đầu tư cho việc nghiên cứu giống hiện hiệu quả hơn 100 tỷ đầu tư của nhà nước”. Và từ “nỗi đau” của mình, Bộ trưởng muốn tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp chủ động hơn.
Trước đó, cũng chính Bộ trưởng đã yêu cầu kiểm tra ngay lập tức thông tin về loại giấy phép kiểm dịch cho trứng gia cầm mà chỉ có giá trị một ngày tại Lào Cai. Rộng hơn, nói về việc Bộ NNPTNT vừa bị điểm danh là 1 trong hai “nhà vô địch” ban hành điều kiện kinh doanh, ông khẳng định sẽ rà soát theo hướng giảm đến mức tối thiểu các loại “giấy phép con”, loại bỏ các quy định bất hợp lý.
Câu chuyện giấy phép chỉ có hiệu lực 1 ngày có thể coi như một điển hình của những rào cản đối với môi trường kinh doanh mà Chính phủ, Thủ tướng đã và đang có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo đột phá mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP. Nó bao hàm những vấn đề của cả thủ tục hành chính và cả điều kiện kinh doanh (giấy phép con) - hai rào cản phổ biến hiện nay.
Về thủ tục hành chính, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc và sẽ còn làm việc với nhiều Bộ, ngành về việc cắt giảm thời gian thực hiện và số lượng thủ tục trong những lĩnh vực “nóng” nhất. Ở rào cản còn lại, theo kết quả rà soát của Bộ KHĐT nhằm phục vụ xây dựng Luật Đầu tư sửa đổi, hiện có tới 398 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, với 895 điều kiện kinh doanh cấp 1 (giấy phép “cha”), 2.129 điều kiện cấp 2 (giấy phép “con”) và 1.745 điều kiện cấp 3 (giấy phép “cháu”). Những con số có lẽ đã đủ để khiến nhiều người hoang mang.
Nhưng câu chuyện “trứng một ngày” cho thấy vấn đề có vẻ còn phức tạp hơn nhiều. Theo Cục Thú y, không có văn bản quy phạm pháp luật nào, từ luật, nghị định cho tới thông tư của Bộ quy định thời hạn kỳ quặc đó, mà do cơ quan thú y cấp tỉnh hoặc cấp huyện “đẻ” ra. Tức là, các thủ tục hành chính trong thực tế còn có thể bị áp dụng hết sức tùy tiện, các điều kiện kinh doanh có thể được “đẻ” ra thêm dễ dàng chẳng khác gì gà đẻ trứng! Tất nhiên, vấn nạn này chắc chắn không chỉ là của riêng ngành Nông nghiệp.
Trong bối cảnh ấy, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã nhận định sau 6 tháng triển khai Nghị quyết 19, bên cạnh một số Bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, “vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan, địa phương thiếu quyết tâm cải cách, gây cản trở môi trường kinh doanh, kìm hãm năng lực cạnh tranh của đất nước”. Chính Thủ tướng cũng từng lo ngại về tình trạng “quyết tâm ở trên này hăng hái như thế, nhưng càng đi xuống càng giảm, tới nhân viên như không có chuyện gì xảy ra”, tại một cuộc đối thoại với doanh nghiệp.
Rõ ràng những chỉ đạo trên đây của Bộ trưởng Cao Đức Phát là rất đáng hoan nghênh.
Bản thân cuộc đối thoại của Bộ trưởng cũng đã là một sự thay đổi. Diễn đàn Doanh nghiệp nông nghiệp vẫn được tổ chức định kỳ hằng năm, nhưng năm nay khâu tổ chức đã phá bỏ thông lệ đối tượng tham dự chỉ là đại diện các hiệp hội ngành hàng.
Đây là lần đầu tiên tất cả các doanh nghiệp liên quan hoặc quan tâm đến ngành nông nghiệp đều được mời tham dự và có cơ hội trao đổi trực tiếp với người đứng đầu ngành Nông nghiệp. Các phóng viên dự cuộc đối thoại kể lại, Bộ trưởng đã không ngần ngại “bẻ lại” khi các Vụ, Cục chức năng trả lời doanh nghiệp theo kiểu né tránh và yêu cầu phải đưa ra thời hạn trả lời cụ thể.
Có một sự tương đồng giữa cuộc gặp này với cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các doanh nghiệp hồi tháng 4 vừa qua, mà trong đó các doanh nghiệp dân doanh chiếm tỷ lệ “áp đảo”.
Và đằng sau cách diễn đạt “muốn tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp chủ động hơn”cũng chính là thông điệp về một “nhà nước kiến tạo phát triển” chứ “không làm thay”, chỉ làm những gì mà xã hội không làm được, đã được người đứng đầu Chính phủ nhấn rất mạnh tại bài viết nhân dịp đầu năm mới 2014.
Để tạo được một “làn sóng” cải cách theo yêu cầu của cuộc sống, thực hiện quyết tâm đổi mới, cải cách về tư duy mà Chính phủ và Thủ tướng đang chỉ đạo quyết liệt, hành động của Bộ trưởng Cao Đức Phát cần được nhân rộng hơn đến các bộ ngành, địa phương và cả bộ máy công quyền.
Nguồn: chinhphu.vn