Kinh tế xã hội

Làng nghề truyền thống: Đi đâu, về đâu (Bài 2)

08:57, 18/10/2014 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Bài 1: Nguy cơ mai một những làng nghề truyền thống

Bài 2: Tìm giải pháp thích hợp để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

(Congannghean.vn)-Hiện nay, toàn tỉnh có 126 làng nghề và hơn 400 làng có nghề. Các làng nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời, trải qua thời gian, bằng bàn tay khéo léo, tài hoa và khối óc sáng tạo của mình, các “nghệ nhân” đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, mang đậm nét đời sống, văn hóa địa phương.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, các làng nghề đang đứng trước nhiều khó khăn như thiếu vốn, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, đầu ra sản phẩm… khiến các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một.

Theo Quy hoạch phát triển làng nghề, đến năm 2015, làng nghề trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển làng nghề là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế.

Một ngày tham quan làng nghề Bảo quản và Chế biến hải sản tại phường Nghi Tân, phường Nghi Hải (TX Cửa Lò), chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, tất bật của người dân nơi đây. Đối với bà con vùng này thì nghề đánh bắt hải sản là “cần câu cơm” từ bao đời nay.

1897 up.zip
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho làng nghề mây tre đan ở Nghi Thái

Không những tạo thu nhập cho gia đình, sản phẩm của làng nghề còn được xuất khẩu ra thế giới. Bà con luôn xác định gắn bó lâu dài với nghề truyền thống. Theo quy hoạch của UBND tỉnh đối với làng nghề chế biến thủy, hải sản, đến năm 2015 sẽ chú trọng phát triển mạnh nghề truyền thống này để tạo ra hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu theo 2 hướng:

Nhóm sản phẩm truyền thống phục vụ thị trường nội địa và nhóm hải sản có chất lượng cao như hải sản, tươi sống, đông lạnh, chế biến công nghiệp để xuất khẩu, với dự kiến giá trị sản xuất đến năm 2015 đạt 7,5 tỉ đồng. Các sản phẩm ở làng nghề chế biến thủy, hải sản đã được đăng ký nhãn hiệu, công nhận và bảo vệ thương hiệu. Chính quyền địa phương, hợp tác xã luôn quan tâm cũng như tìm đầu ra cho các sản phẩm.

Không chỉ với nghề đánh bắt thủy, hải sản mà đối với nghề truyền thống nào cũng vậy, các “nghệ nhân” luôn muốn gắn bó với nghề và lưu truyền cho thế hệ sau. Vì vậy, làng nghề truyền thống phải thực sự phát huy được hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường mới có thể duy trì và phát triển.

Để nâng cao chất lượng của các sản phẩm nghề truyền thống, hàng năm, UBND tỉnh luôn cấp kinh phí cho các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại để nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề. Từ năm 2002 - 2014, kinh phí đầu tư cho các hoạt động này là 41 tỉ đồng.

Theo đó, đơn vị thực hiện là Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các làng nghề, tham quan học tập kinh nghiệm, nhất là tìm hiểu thị trường tiêu thụ ở các làng nghề trong cả nước; tổ chức đào tạo nghề, nâng cao tay nghề và bổ sung kỹ năng làm nghề đối với các làng nghề truyền thống.

9 tháng đầu năm  2014, UBND tỉnh đã đầu tư hơn 3,9 tỉ đồng, hỗ trợ 64 đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển làng nghề. Các hoạt động giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu được chú trọng. Theo đó, một số sản phẩm truyền thống đã được xây dựng nhãn hiệu, công nhận và bảo vệ thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ như hương trầm Quỳ Châu, rượu Phúc Mỹ (Hưng Châu), nước mắm Cửa Lò, kẹo lạc Đô Lương…

Thông qua tổ chức các hội chợ triển lãm nhằm giới thiệu sản phẩm, từ đó tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm. Các sản phẩm của làng nghề truyền thống được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong năm 2014, nhiều sản phẩm được bình chọn như nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu), mây tre đan (Quế Phong), dệt thổ cẩm (Quỳ Châu)…

Mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến năm 2015 là có 318 làng nghề, trong đó ưu tiên duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, du nhập các nghề mới có sản phẩm tiêu thụ mạnh, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh phù hợp thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước; phát triển ngành nghề theo thế mạnh về lao động, tài nguyên trên từng địa bàn; phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ…

Để đạt được những mục tiêu đó, tỉnh cũng đã đưa ra những giải pháp, trong đó triển khai thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước, UBND tỉnh về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn trên các lĩnh vực từ đầu tư như cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường, xúc tiến thương mại, ưu đãi đầu tư. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng người lao động trở thành nghệ nhân, thợ giỏi và đào tạo truyền nghề...

Để bảo tồn và phát triển có hiệu quả những làng nghề truyền thống, thiết nghĩ cần triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể vào tình hình thực tế của các làng nghề. Hy vọng, với sự đầu tư và những giải pháp có lộ trình cụ thể của các ngành chức năng, làng nghề truyền thống sẽ tồn tại và phát triển để giữ lại cho thế hệ mai sau những tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Huyền Thương

Các tin khác