Kinh tế xã hội

'Thủ phạm' kéo giảm giá dầu

08:55, 17/10/2014 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Đầu năm 2014, dầu Brent có giá trên 107 USD/thùng (dung tích xấp xỉ 159 l), nhưng đến khoảng giữa tháng 6, giá 1 thùng vọt lên ngưỡng 114 USD. Đầu tháng 10 vừa rồi, giá lại tụt xuống mức 90 USD/thùng và chỉ trong vòng có 5-6 ngày gần đây, dầu Brent đã mất giá thêm khoảng 5 USD/thùng. Nguyên nhân nào đẩy giá dầu thô lao dốc? Khi nào thì dầu lên giá trở lại? Những phân tích dưới đây sẽ làm sáng tỏ phần nào các câu hỏi trên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Nguyên nhân chính trị
 
Đã có những thông tin đồn thổi, rằng Mỹ đã thuyết phục Arabia Saudi đẩy giá dầu thô Brent xuống 85USD/thùng nhằm gây áp lực đối với Nga để buộc Nga phải có những nhượng bộ trong việc giải quyết khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine. 
 
Những ý kiến này dựa trên lý do trùng hợp với sự tăng giá của đồng USD trong những ngày qua. Hơn nữa, trong lịch sử, năm 1973 Saudi Arabia cũng đã từng “diễn trò” khi đồng ý bán dầu với giá rất rẻ cho những nước ủng hộ họ chống lại Israel.
 
Nhiều chuyên gia không đồng ý với quan điểm này. Theo họ, giá dầu thô giảm thuần túy chỉ bởi những lý do kinh tế.
 
… hay kinh tế 
 
Ngược với quan điểm trên, rất nhiều chuyên gia lại cho rằng Saudi Arabia mới chính là “nguyên nhân” gián tiếp làm dầu thô sụt giá.
 
Thời gian gần đây, tại Mỹ “cuộc cách mạng dầu khí đá phiến” đang được triển khai rầm rộ. Từ 1 nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Mỹ đã trở thành nước sản xuất dầu lớn thứ 3 của toàn cầu. Hiện nay, lượng khai thác dầu thô của Mỹ đã đạt mức 8,7 triệu thùng/ngày (chỉ đứng sau Nga - trên 10 triệu thùng/ngày và Saudi Arabia - gần 10 triệu thùng/ngày). Theo dự báo, nếu vẫn với đà tăng trưởng như hiện nay, chỉ sau khoảng 5 năm nữa, Mỹ sẽ vượt Saudi Arabia và rất có thể sẽ “qua mặt” cả Nga. Chính vì lý do này mà “Vương quốc dầu mỏ” đã “mất ăn mất ngủ”. Theo luật của Mỹ, việc xuất khẩu dầu thô ra khỏi lãnh thổ nước này hiện vẫn bị cấm, vì vậy tất cả lượng dầu khai thác được đã và sẽ làm bão hòa thị trường nội địa.
 
Mỹ là khách hàng chủ yếu và thường xuyên của Nigeria, nhưng từ đầu tháng 9 đến nay, nước này đã buộc phải “ngắt bơm” để mặc lượng dầu đang “chảy” vào Mỹ “tràn ra” các thị trường khác.
 
Thị trường Mỹ coi như đã không còn. Kinh tế châu Âu thì vẫn đang trong tình trạng “ốm yếu”. Số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp tháng 8/2014 của Đức – trụ cột của kinh tế châu Âu cũng rất bi đát, giảm 4% so với cùng kỳ này năm ngoái. Mọi nỗ lực của các nước xuất khẩu dầu mỏ trong giai đoạn này đều tập trung vào thị trường châu Á.
 
Giá 1 thùng dầu của Mỹ khai thác từ đá phiến hiện nay dao động từ 80-85USD. Nếu không ra tay sớm để đẩy giá xuống thì rất có thể chính Mỹ sẽ “tiếm” thị phần từ tay Saudi Arabia (trường hợp Mỹ tự dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô). Mức giá xuất khẩu thấp (dưới 90USD/thùng) sẽ làm cho các dự án dầu khí đá phiến của Mỹ gặp khó khăn. Đầu tư vào lĩnh vực này sẽ không còn hấp dẫn và vì vậy giảm cơ hội để Mỹ trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ.
 
Sau một thời gian dài việc khai thác dầu ở Libya bị ngưng trệ, thiếu hụt trên thị trường đều cơ bản do nguồn cung từ Saudi Arabia bù đắp. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi ngày Libya đã bắt đầu rót ra “sân chơi” khoảng 900.000 thùng dầu thô. 
 
Iran là một trong những nước sản xuất dầu khí lớn của thế giới. Thời gian gần đây, do đã bắt đầu tìm thấy tiếng nói chung với Mỹ và phương Tây nên lượng cung về dầu thô từ Iran ra thế giới cũng tăng lên nhiều.
 
Mặc dù Iraq đang phải chống chọi với lực lượng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, tuy nhiên, khu vực sản xuất nhiều dầu nhất hiện nay của Iraq lại là vùng phía Nam – Shiite gần như chưa bị ảnh hưởng của cuộc chiến vì thế sản lượng khai thác và xuất khẩu vẫn ngày một tăng.
 
Một lý do cũng làm ảnh hưởng ít nhất là trong ngắn hạn tới giá dầu thô đó là các mỏ dầu mà IS đang nắm giữ và khai thác. Theo đánh giá, thu nhập của IS từ dầu mỏ mỗi ngày khoảng 3-5 triệu USD. Do các giao dịch buôn bán không công khai nên IS bán dầu với giá rất rẻ chỉ khoảng 25-30 USD/thùng. Vì thế, dù bất ổn đang diễn ra ở Trung Đông và Ukraine, nhưng xem ra giá dầu vẫn chưa có xu hướng tăng trở lại.
 
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong khoảng 1 năm trở lại đây không được như kỳ vọng, thống kê của quý III cho thấy tốc độ tăng trưởng chỉ đạt mức 7,3%/năm – thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Vì vậy lượng tiêu thụ dầu thô tại quốc gia này cũng sẽ không đúng như những dự báo trước đó.
 
Suốt từ năm 2011 đến nay, hạn mức sản xuất dầu đã được các nước trong khối OPEC (gồm 12 nước xuất khẩu dầu mỏ) thống nhất công bố và duy trì chỉ ở mức 30 triệu thùng/ngày (chiếm khoảng 1/3 nhu cầu tiêu thụ của toàn thế giới). Có lẽ do những áp lực cạnh tranh và giành giật thị trường đã khiến Saudi Arabia phải hành động bằng biện pháp hạ giá xuất khẩu và “nhúc nhích” trong phạm vi mà hạn mức còn cho phép. Số liệu thống kê cho thấy, lượng khai thác của nước này trong tháng 8 là 9,6 triệu thùng/ngày, sang tháng 9 con số này đã là 9,7 triệu thùng/ngày. Giá bán giao ngay trong tháng 10 tại châu Á mà Saudi Arabia đang triển khai rẻ hơn giao chậm vài ba tháng sau đó từ 3-5 USD/thùng. Theo kế hoạch, ngày 27/11 tới đây khối OPEC sẽ tổ chức hội nghị mà tại đó, hạn mức mới của khối sẽ được đưa ra bàn thảo. 
 
Giá dầu thô giảm dường như cho thấy đang có cơn sóng ngầm bắt đầu xuất hiện trong nội bộ khối OPEC. 
 
Một số nước như Saudi Arabia, Qatar, UAE, Kuwait... có giá thành dầu thô rẻ hơn hẳn so với các nước thành viên khác như Venezuela… đang tranh thủ cơ hội này để chiếm lĩnh thị trường. Nếu ngày 27/11 tới đây, tiếng nói chung không được tìm thấy thì chưa thể đoán biết giá dầu sẽ dừng ở ngưỡng nào? Nếu giá dầu xuống dưới mức 85 USD/thùng, rất có thể sẽ xảy ra “cuộc khủng hoảng mini” về dầu thô do các nước xuất khẩu vì hoảng loạn mà tranh bán để giành thị phần cho mình. 
 
Mới đây, cố vấn về các vấn đề dầu khí của Iran Mehran Amirmoeyni đã cảnh báo, nếu OPEC không cắt giảm sản lượng để duy trì mức giá cao khả dĩ có thể chấp nhận được thì khối này có thể sẽ lặp lại sai lầm đã diễn ra vào năm 1998. Vào thời điểm đó, do nhu cầu thị trường đang có xu hướng giảm nhưng việc sản xuất và chào bán vẫn gia tăng nên giá dầu đã giảm xuống dưới 10 USD/thùng. Vậy mà, theo sau Saudi Arabia, tuần trước Công ty National Oil thuộc sở hữu của Chính phủ Iran cũng đã bắt đầu chào bán dầu thô cho thị trường châu Á ở mức giá thấp.
 
Trong ngày thứ 3 (14/10), Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã phải hạ mức đánh giá dự báo về tăng trưởng trong việc sử dụng dầu mỏ trên toàn thế giới từ 1,3 triệu thùng/ngày xuống mức tăng thêm chỉ còn 700.000 thùng/ngày. Và mặc dù theo dự báo của IEA, mức sử dụng bình quân 1 ngày cho năm 2014 của toàn cầu là 92,4 triệu thùng, nhưng theo số liệu thống kê của tháng 9 vừa qua thì mức sản xuất bình quân trên toàn thế giới đã vượt xa nhu cầu, đạt mức 93,8 triệu thùng/ngày!
 
Cung vượt xa cầu ắt đẩy giá dầu thô lao dốc. Dầu Brent đã chạm mức giá 85USD/thùng vào đêm 14/10. Nếu đà xuống giá không ngừng lại thì tất cả các nước sản xuất dầu mỏ sẽ rất dễ lâm vào trạng thái “băng hà” và theo hiệu ứng Domino kinh tế toàn cầu cũng sẽ hứng chịu nhiều hệ lụy vì các nguồn tiền đầu tư bị tắc, cổ phiếu của các công ty năng lượng và đầu tư sẽ bị mất giá…
 
Những ngày đầu tháng 10/2014, trong lúc dầu thô đang trên đà giảm giá thì các chuyên gia của Bank of America Merrill Lynch vẫn lạc quan dự đoán mức giá bình quân trong năm 2015 là 108 USD/thùng – thấp hơn 2 USD so với dự báo mức giá bình quân cho năm 2014.
 
Trong tháng 9, Bloomberg đã thu thập ý kiến của các chuyên gia phân tích thuộc 18 ngân hàng dự báo về giá dầu cho quý IV năm nay, kết quả vẫn rất lạc quan: 100,50 USD/thùng!
 
Rất có thể trong 1-2 tháng nữa dầu sẽ tăng giá trở lại như các chuyên gia đã dự báo vì mùa đông lạnh giá đang cận kề, nhu cầu sử dụng dầu sẽ tăng lên theo như thông lệ. Hơn nữa chi phí khai thác cho 1 thùng dầu ngày nay đã không còn ở mức thấp như trong quá khứ. Và nhu cầu chi tiêu cho mỗi quốc gia xuất khẩu dầu mỏ cũng ngày một tăng. Để đảm bảo ngân sách quốc gia không bị thâm thủng, các quốc gia này đều có ngưỡng giá chấp nhận được.
 
Dầu phải đạt mức giá bao nhiêu để ngân sách của các quốc gia xuất khẩu không bị thâm thủng? (Nguồn: Reuters, Citigroup)
 
 

TT

QUỐC GIA GIÁ CẦN DUY TRÌ (USD/thùng )
1 Yemen 214
2 Libya 184
3 Venezuela 161
4 Bahrain 132
5 Iran 130
6 Iraq 114
7 Angie 113
8 Russia 105
9 Arabia Saudi 89
10 Oman 82
11 UAE 74
12 Qatar 71
13 Kuwait 44
 
 
Xem bảng thống kê trên sẽ thấy bức tranh chung về giá dầu thô (mà đại diện là dầu Brent) cho mỗi quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và nếu giá dầu xuống dưới 85 USD/thùng thì hầu hết các thành viên trong “ngôi nhà chung” đều không thể làm ngơ. 
 
Có tin đồn rằng Saudi Arabia đang sẵn sàng duy trì mức giá 80 USD/thùng trong vòng 1,5 đến 2 năm để thống lĩnh thị trường. Tin đồn thực ra vẫn chỉ là tin đồn. Liệu chính “Vương quốc dầu mỏ” có trụ vững khi giá dầu đã thấp và còn thấp hơn 80 USD/thùng? Chính phủ LB Nga cũng đang phải căng mình lên phương án đối phó với kịch bản giá dầu chỉ còn 60USD/thùng.
 
Mọi dự đoán vẫn chỉ là dự đoán. Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời chính xác!

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác