Kinh tế xã hội
Giữ rừng, nhìn từ một chính sách
(Congannghean.vn)-Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ được triển khai gần 3 năm nay ở Nghệ An, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các chủ rừng, người tham gia bảo vệ rừng có thêm nguồn lợi kinh tế và nâng cao trách nhiệm giữ rừng. Áp dụng chính sách trên, diện tích rừng có sự quản lý của người dân đã tăng nhiều, góp phần đẩy lùi tình trạng chặt phá rừng.
Gia đình anh Lang Văn Phê sinh sống ở bản Hồng Tiến, xã Đồng Văn, trong vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong. Gia đình anh Phê cũng như 49 hộ khác của bản vừa được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhóm của anh gồm 10 người được nhận đợt 1 với số tiền 23.704.000 đồng. Còn cả bản Hồng Tiến nhận được hơn 117 triệu đồng.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ khuyến khích người dân nâng cao trách nhiệm giữ rừng - Ảnh minh họa |
Số tiền này không thuộc ngân sách Nhà nước hỗ trợ như trước kia, mà chính là tiền của doanh nghiệp đã khai thác tài nguyên trên địa bàn có rừng, nay theo NĐ 99 của Chính phủ, phải trích ra, đem trả cho người dân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Anh Phê nói: Khi được giao trách nhiệm giữ rừng, dân bản Hồng Tiến chúng tôi đã chia làm 5 nhóm, trong tuần, trong tháng, từng nhóm đi tuần tra rừng, để nắm tình hình. Nếu phát hiện có đối tượng khai thác, phá rừng thì chúng tôi ngăn chặn, đẩy đuổi và báo cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Về phía chính quyền các địa phương có rừng cũng đã tăng cường tuyên truyền, phối hợp với ngành chức năng sở tại để nâng cao nhận thức cho người dân về pháp luật bảo vệ rừng, nhất là khi quyền lợi của người dân đã được đáp ứng cụ thể hàng năm, theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Trước đây, các doanh nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên, cụ thể như các công ty thủy điện, đào đắp, tích nước lòng hồ lấy năng lượng điện, mà chưa phải trả chi phí hao tổn về tài nguyên thiên nhiên, môi trường tự nhiên thì bây giờ phải xem việc chi trả vào công quỹ bảo vệ và phát triển rừng như một điều tất yếu. Theo quy định hiện nay, 1 kWh điện thương phẩm, nhà máy thủy điện phải trích ra 20 đồng để đưa vào quỹ.
Và nguồn quỹ đó, một phần sẽ được hỗ trợ cho chủ rừng và tất cả người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Khắc Lâm, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An cho rằng: “NĐ 99 được áp dụng đã làm sáng tỏ một vấn đề, đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, các công ty thủy điện hay công ty du lịch sinh thái…, liên quan đến khai thác thiên nhiên, rừng, nước, kinh doanh thì phải sung vào nguồn quỹ để trả cho người dân mà bấy lâu nay, chính họ là người cần được hưởng lợi. Rừng được giữ tốt thì đồng nghĩa với môi trường sống tốt đẹp hơn”.
Gần 3 năm qua, ở tỉnh ta, việc áp dụng Nghị định 99 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đạt được hiệu quả nhất định. Nhấn mạnh thêm quan điểm, đó là: Khai thác tài nguyên thiên nhiên thì phải chi trả cho việc bảo vệ môi trường, dù dưới bất kì hình thức khai thác nào. Đến nay, nguồn quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng đã chi trả cho một số chủ rừng trên địa bàn gần 30 tỉ đồng. Và do vậy, ý thức của người dân nhận tham gia quản lý trên 200.000 ha rừng tăng đáng kể, khi quyền lợi và trách nhiệm của bà con đã được làm sáng tỏ.
Hồ Dương Cầm