Kinh tế xã hội
Xăng giảm 8 lần, cước vận tải vẫn 'án binh bất động'
14:29, 27/10/2014 (GMT+7)
Điều chỉnh giảm từ 8-14 lần, tất cả các loại xăng dầu đều đã giảm khoảng 3.000 đồng/lít. Trong khi giá xăng dầu đang “chơi đẹp” thì những nhóm hàng được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ những lần giảm giá xăng dầu như cước vận tải và các mặt hàng thiết yếu khác vẫn chưa có động thái giảm giá.
Giảm 3.000 đồng/lít vẫn không kéo được giá tiêu dùng
Ngày 23/10, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điểu chỉnh giảm khá mạnh, đánh dấu 8 lần giảm giá liên tiếp của mặt hàng nhạy cảm có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế của mọi cá nhân, doanh nghiệp (DN). Tính chung cả 8 lần giảm, xăng đã được giảm đi 3.300 đồng mỗi lít. Dầu diezen giảm tới 14 lần với tổng mức 3.060 đồng/lít, dầu hoả giảm tới 11 lần, tổng giảm là 2.890 đồng/lít và dầu mazút giảm 9 lần. Hiện nay, giá xăng dầu đã hạ nhiệt về mức thấp nhất của mặt bằng giá xăng dầu năm 2012, thấp hơn nhiều so với đỉnh cao năm 2013.
Việc giá xăng giảm được người tiêu dùng và thị trường đón nhận như một tín hiệu vui trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Xăng dầu giảm giá được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến mặt bằng giá cả nói chung. Tuy nhiên, giá xăng dù giảm sâu vẫn không có tác động đến giá bán ra của các sản phẩm tiêu dùng. Tại các chợ và các siêu thị, hầu hết các mặt hàng đều không giảm giá, các mặt hàng thiết yếu vẫn giữ giá với lý do thời vụ và tâm lý tiêu dùng.
Theo phân tích của ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị thì giá thực phẩm, rau củ phụ thuộc nhiều yếu tố như nguồn hàng, thời tiết, mùa vụ…, nhưng giá xăng dầu vẫn tác động khoảng 10% giá thành. Vì vậy, khi giá vận tải giảm, giá các mặt hàng này cũng có cơ sở để giảm theo.
Cước dịch vụ vận tải không giảm thể hiện sự kém cỏi trong văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp vận tải |
Trên thực tế, việc giá xăng, dầu giảm trong 3 tháng qua cũng đã có tác động tích cực tới chỉ số CPI của tháng 10, khi nhóm ngành Giao thông là một trong 3 nhóm hàng giảm giá và có mức giảm mạnh nhất: 1,02%. Tuy nhiên, chỉ số thống kê cũng cho thấy. ngoài nhóm mặt hàng giao thông giảm thì 2 nhóm còn lại là vật liệu xây dựng và bưu chính viễn thông, còn những mặt hàng khác, đặc biệt là nhóm chịu nhiều tác động từ việc điều chỉnh giá xăng, và vẫn thường “phản ứng nhanh” tăng ngay kiểu “té nước theo mưa” mỗi khi mặt hàng này tăng giá, là lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng vẫn không hề giảm.
Phải “ép” vận tải giảm giá
Trong những lần giảm giá xăng trước, các DN vận tải luôn tìm cách để không phải giảm cước. Lý do mà họ đưa ra là giá xăng dầu phải giảm hơn 10% thì các đơn vị vận tải mới tính đến cước vận tải tăng hoặc giảm, bởi lẽ chi phí cho việc điều chỉnh rất tốn kém. Hơn nữa, việc tăng giảm giá xăng vẫn là một “ẩn số khó lường”. Nếu DN vận tải vội vàng điều chỉnh giảm giá cước, giá xăng đột ngột tăng trở lại thì DN sẽ lỗ, do đó họ vẫn cần phải nghe ngóng thị trường. Thế nhưng, với 8 lần giảm liên tiếp và giảm tới 3.300 đồng/1 lít xăng, việc cố tình chưa giảm giá cước của các DN vận tải xem ra không hợp lý và đã tạo ra một sân chơi không hề công bằng.
Thừa nhận giá thành đã đủ “hạn mức” để giảm giá, ông Thân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, giá xăng giảm 12,7%, giá dầu giảm 13,2%, trong khi đó chi phí xăng dầu chiếm 40%-50% tổng chi phí vận tải. Nếu giá xăng dầu giảm sâu như hiện nay và ổn định trong thời gian dài thì các DN vận tải phải tính toán lại để có hướng giảm giá cước. Loại hình vận tải phải giảm đầu tiên, theo tính toán của ông Thanh là các đơn vị taxi. Giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít tương ứng với 12,7% thì giá cước taxi có thể giảm tương ứng được 5- 6%, bằng khoảng 600-1.000 đồng tùy từng hãng.
“Còn với xe tải, sẽ không giảm được nhiều, việc điều chỉnh cước các DN cũng phải “nhìn mặt nhau”. DN được tự chủ quyết định, nếu họ giữ giá cước cao sẽ mất khách hàng. Vì vậy, điều chỉnh thế nào thì chủ các DN phải tự tính toán”, ông Thanh chia sẻ.
Giá xăng dầu chiếm khoảng 50% cước vận tải và 10% giá tiêu dùng |
Để trốn giảm giá, tất nhiên các DN vận tải sẽ có những lý do của mình. Nhưng nếu quá tốn kém và mất thời gian thì tại sao khi giá xăng tăng, họ vẫn “nhiệt tình” xin điều chỉnh giá cước? Theo tính toán của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, khi giá xăng tăng lên 1.000 đồng/lít, vận tải taxi tìm cách để tăng cước lên 1.000 đồng/km. Tính ra, với 100km, mỗi chiếc taxi chỉ phải trả thêm 10.000 đồng, trong khi đó, cước đã được nâng thêm 100.000 nghìn đồng. Như vậy, 90.000 đồng tiền chênh chính là nguồn lợi mà taxi được hưởng khi tăng giá. Bởi vậy, không có lý do gì, khi giá xăng giảm tới 3.300 đồng/lít, mà cước vận tải vẫn neo giá cao.
Đồng quan điểm, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, đây là điều bất cập của các DN vận tải. Khi giá xăng tăng, các DN tìm mọi cách kêu ca, than thở để đòi tăng giá. Thậm chí, khi chưa được tăng giá chính thức và công khai, thì họ sẽ sẵn sàng tăng giá lén lút, bắt chẹt hàng khách, đối tác và người tiêu dùng. Thế nhưng khi giá xăng giảm, các DN vận tải là làm lơ với giảm giá. Điều này cho thấy các DN vận tải không biết cảm thông, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Nó thể hiện sự kém cỏi trong văn hóa kinh doanh của chính DN vận tải, và vô hình trung, biến “cuộc chơi” trên thị trường thiếu sự công bằng.
“Hiện nay, kinh doanh vận tải là do các DN tự định giá, chứ không phải là giá theo quy định. Bởi vậy, cần phải có các biện pháp “ép” DN vận tải thực hiện cuộc chơi công bằng hơn”, ông Long đề nghị.
Nguồn: cand.com.vn