Kinh tế xã hội
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng
09:31, 26/10/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đến xóm 3, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, hỏi Lê Xuân Giáp thì ai cũng biết, bởi anh là một thanh niên giàu nghị lực, có chí lập nghiệp, làm giàu tại quê hương.
Tháng 10/2006, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội với tấm bằng loại khá, Lê Xuân Giáp không xin vào các cơ quan Nhà nước. Mặc dù Trung tâm Dạy nghề Miền Trung có trụ sở tại TP Hà Tĩnh mời làm giáo viên và trả lương 4 triệu đồng/tháng, nhưng Giáp từ chối và ở lại quê nhà mở cơ sở sản xuất mang tên Mỹ thuật Vạn Xuân. Nơi anh lập nghiệp nằm cạnh Quốc lộ 1A, đối diện Trường Tiểu học Diễn Kỷ, có khuôn viên rộng 1.500 m2, cách thị trấn Diễn Châu 3 km về phía Đông.
Anh Lê Xuân Giáp với bức điêu khắc về Bác Hồ |
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh chị em nên khi khởi nghiệp, Giáp gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt bằng, bạn bè cho vay vốn, bố anh là họa sỹ về hưu Lê Xuân Nhụy giúp đỡ về kỹ thuật tạo hình, Giáp mạnh dạn mở rộng nhà xưởng, mua sắm đầy đủ vật liệu, dụng cụ làm việc, ngày đêm tìm tòi sáng tạo sản xuất, chế tác ra các mặt hàng mỹ nghệ điêu khắc như: Tượng, phù điêu, tạo non bộ đồi núi, phục tráng, tôn tạo, làm mới các công trình phục vụ các cơ quan, đơn vị, trường học.
Khách đến đặt và mua hàng của anh đều thán phục, thích thú bởi bàn tay tài hoa của ông chủ trẻ đã thổi hồn vào các con vật như: Sư tử, ngựa, hươu nai, chim muông… trông rất ngô nghê nhưng lại có tính cách riêng của từng loài. Các vị tướng, đức phật trang trí ở các nhà thờ, đền chùa trông oai phong, điềm tĩnh. Bàn ghế đá giả gỗ nhờ cách pha màu, tạo khuôn hình bằng xi măng và biết dùng các loại thép kích cỡ hợp lý nên sản phẩm làm ra rất giống màu của các loại gỗ lim, sến, vàng tâm, de, dổi mua ở các huyện miền núi về.
Đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ uy tín với khách hàng và mẫu mã hợp thị hiếu người tiêu dùng là những tiêu chí Giáp đặt lên hàng đầu. Anh cho biết: “Trong suốt 8 năm lập nghiệp, tôi đã dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho những bức tượng chân dung về Bác Hồ. Qua đọc báo, xem truyền hình, đối chiếu với chân dung, ảnh Bác mà các phóng viên, nghệ sỹ nhiếp ảnh, các bậc đàn anh đi trước đã chụp, vẽ, tôi hình dung ra hình ảnh, cử chỉ cao đẹp, giọng nói ấm áp của Người. Sau đó, ý tưởng đắp tượng Bác Hồ luôn nung nấu trong tâm trí tôi!”. “Khổ luyện tài, miệt mài thành giỏi”, cuối cùng anh đã thành công về đề tài Bác Hồ với hàng chục bức tượng làm theo đơn đặt hàng của khách.
Có được thành quả như hôm nay, Giáp đã bỏ nhiều công sức đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các cơ sở thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh. Tìm ra nguyên nhân dẫn đến sản phẩm có màu sắc không tươi, mẫu mã không sắc nét, sẵn sàng thải loại những lô hàng kém chất lượng, tìm cách tháo gỡ khó khăn và vươn tới những mặt hàng cao cấp. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra đến đâu cung ứng hết đến đó. Năm 2007, cơ sở của anh được cấp giấy phép hoạt động, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Ngoài bản thân là thợ kỹ thuật, anh còn hợp đồng tạo việc làm cho 2 thanh niên trong xã với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.
Tháng 10/2014, cơ sở Mỹ thuật Vạn Xuân tròn 8 tuổi. Ngần ấy thời gian đối với một doanh nghiệp chưa phải là dài nhưng với Lê Xuân Giáp thì quả là một dấu ấn của sự đổi đời. Từ hai bàn tay trắng, anh đã xây dựng nên cơ nghiệp, trở thành thương hiệu mỹ thuật điêu khắc được nhiều nguời biết đến. Hiện tại, anh đã trả xong nợ, làm được ngôi nhà cao tầng trị giá hơn 1 tỉ đồng và đạt doanh thu mỗi năm 300 triệu đồng.
Lê Hoài Thung